Sự kiện hot
13 năm trước

Kĩ nghệ hét, hạ giá của dân buôn Hà thành

Không mặc cả, chỉ giảm giá Chưa đến mùa mua sắm nhưng ở khắp các khu chợ lớn, đâu đâu cũng treo những biển đại loại như: Đại hạ giá, Giá rẻ nhất Hà Nội... Thậm chí có những chủ hàng còn nói thẳng: "Bán đúng giá không mặc cả". Nhưng sự thật liệu có phải như vậy?

Không mặc cả, chỉ giảm giá

Chưa đến mùa mua sắm nhưng ở khắp các khu chợ lớn, đâu đâu cũng treo những biển đại loại như: Đại hạ giá, Giá rẻ nhất Hà Nội... Thậm chí có những chủ hàng còn nói thẳng: "Bán đúng giá không mặc cả". Nhưng sự thật liệu có phải như vậy?

Trong vai một người đi mua hàng, nhóm phóng viên vào thăm một gian hàng bán quần áo ở chợ Ngã tư Sở (Thanh Xuân). Ấn tượng ban đầu với cửa hiệu này là tấm biển cực kỳ ấn tượng: "Không mặc cả". Và quả thật, bà chủ đã giữ rất đúng lời hứa khi khẳng định: "Cô không hề nói thách, ở đây cô chỉ bán đúng giá".

Biết ý nên chúng tôi hỏi ướm thử xem từ sáng đến giờ bà chủ đã mở hàng chưa. Câu trả lời nhận được cũng "giữ ý" chẳng kém: "Cô nói thật, nếu bây giờ mà cô nói là chưa mở hàng thì cháu sẽ bảo là cô gặp ai cũng nói thế. Cho nên là cháu hỏi thì cô chỉ cười. Cô cũng là người đi mua hàng nên cô hiểu. Tốt nhất là cô chẳng nói câu gì".

Mặc dù vậy, khi nhóm phóng viên chê là hàng Trung Quốc và kỳ kèo một hồi, bà chủ cuối cùng cũng chịu xuống nước giảm 10.000 đồng cho chiếc quần jeans treo giá là 250.000 đồng.

Những tấm biển như này nhan nhản khắp các chợ

Như vậy là rốt cuộc, chiếc quần vẫn có thể được bán với giá "mặc cả", chứ không phải như tấm biển treo trên tường. Trộm nghĩ, với những người "cưỡi ngựa xem hoa" như chúng tôi đã vậy, thì nếu những ai chịu khó cò kè bớt một thêm hai thì những món hàng "đúng giá" còn bị "mất giá" như thế nào?

Dạo qua những gian hàng khác tại khu chợ này chúng tôi vẫn gặp những trường hợp tương tự. Chỉ cần kiên nhẫn, chịu khó "buôn nước bọt" và sẵn sàng nghe những tiếng nói ra nói vào, bạn vẫn có thể mua được những món đồ với giá chỉ từ 50 - 70% giá treo trên sạp. Dù những chủ cửa hàng đã ngụy trang rất khéo léo dưới những vỏ bọc như: "Thấy con hiền lành cô để rẻ cho" hay: "Cô ngồi cả ngày đến giờ cũng mệt rồi thôi bán lấy vốn cho con để về sớm"...

Thực chất thì chẳng có người đi buôn nào khi bày hàng bán mà lại không muốn thu được lợi nhuận cao nhất. Lúc họ đồng ý "thỏa hiệp" với người tiêu dùng, cũng có nghĩa là họ cảm thấy mức lãi thu về là chấp nhận được. Theo lời kể của những người đi chợ lâu năm, họa hoằn lắm chủ hàng mới chịu mức lời dưới 25%.

Bán đúng giá nhưng vẫn có thể mặc cả

Đơn cử như trường hợp ở cửa hàng đầu tiên, nếu người vào hỏi mua là một đồng nghiệp nữ thì được chào giá 250.000 đồng. Vẫn bà chủ đó nhưng nếu người vào hỏi mua là đồng nghiệp nam, giá lập tức được "đội" lên thành 350.000 đồng.

Không rõ nếu giữ nguyên tiêu chí "Không mặc cả" như cửa hàng đề ra thì đồng nghiệp nam của chúng tôi đã bị hét giá lên tới bao nhiêu phần trăm?

Cân điêu đến giật mình

Nỗi ám ảnh bị "móc túi" một cách công khai trở nên đáng sợ hơn rất nhiều khi nhóm phóng viên đi mua những thực phẩm phải dùng đến cân.

Thượng đế nào cũng phải giật mình khi cửa hàng dùng đến cân

Được cảnh báo trước là chợ Ngã tư Sở nổi tiếng cân điêu nhưng khi nhìn thấy kết quả sờ sờ trước mắt, chúng tôi vẫn không thể tránh khỏi cảm giác bị sốc. Bốn quả cam sành được định lượng là 1,5 kg tại cửa hàng bán, đã nhanh chóng bốc hơi xuống thành 1,4 kg khi cân tại một cửa hàng cạnh đó. Còn khi vào sâu trong chợ một chút, nó chỉ còn 1,2 kg???

Ngay lập tức, chúng tôi định quay trở lại cửa hàng mua cam để hỏi cho ra nhẽ thì nhận được mấy lời can ngăn từ những người xung quanh. Theo họ, chuyện cân điêu ở đây xảy ra như cơm bữa và cách đây ít lâu, cũng có mấy vụ ầm ĩ nhưng rồi chẳng làm gì được họ. Lý do là vì "tiền trao cháo múc" và chẳng ai có thể kiểm chứng được chuyện khách hàng đã mua cái gì và mua bao nhiêu.

Hỏi han thêm, chúng tôi mới té ngửa ra nguyên nhân vì sao chúng tôi bị cân điêu. Mọi chuyện rất đơn giản, nếu khách hàng đồng ý với giá 40.000 đồng/kg như chủ cửa hàng nói thì sẽ được cân đúng. Còn nếu mặc cả như vị nữ đồng nghiệp của chúng tôi xuống còn 35.000 đồng/kg thì thế nào gì cũng bị cân điêu.

"Kiểu gì họ cũng phải lấy cho được số tiền lãi như vậy", một người mua hàng đã chép miệng nói vậy.

Có lẽ trông thấy vẻ mặt ngơ ngác của nhóm phóng viên, nên bác tiếp tục giảng giải: "1.5 kg cam này lẽ ra họ phải bán được 60.000 đồng (40.000 đồng/kg). Nhưng đây họ chỉ bán cho cháu với giá 50.000 đồng (35.000 đồng/kg). Tính ra họ bị lỗ mất 10.000 đồng. Lấy 10.000 đồng này chia cho 40.000 đồng, tức là khoảng 2 lạng rưỡi, 3 lạng chính là lượng mà cháu bị cân thiếu".

Chuyện cân điêu đã trở thành một điều "tự nhiên" tại nhiều khu chợ ở Hà Nội

Chưa hết ngạc nhiên, chúng tôi lại đón thêm một thông tin nữa. Những người đi bán hàng ở đây bao giờ cũng chuẩn bị hai cái cân. Nếu khách hàng chấp nhận giá họ chào thì sẽ được cân bằng cân đúng (thường gọi là cân 10). Nếu ngược lại, khách hàng sẽ "bị" cân trên cân sai (gọi là cân 7). Sở dĩ gọi như vậy là vì cứ mỗi kg sẽ bị "hao" đi từ 2 đến 3 lạng như vị nữ đồng nghiệp của chúng tôi.

Việc chế tạo một chiếc "cân 7" như vậy cũng khá dễ dàng. Chỉ cần tháo cân ra và cắt ngắn chiếc lò xo ở dưới thì độ đàn hồi của lò xo sẽ giảm. Với cùng một khối lượng, đặt trên chiếc "cân 7" sẽ bị lún xuống sâu hơn khi đặt trên "cân 10"; và vì vậy, số chỉ trên mặt đồng hồ cũng lớn hơn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Có một thực tế đáng buồn là tất cả những người dân sống xung quanh chợ đều coi những chuyện cân điêu, cân thiếu này là chuyện "thường ngày ở huyện". Họ chấp nhận sống chung với nó theo kiểu "Nước sông không phạm nước giếng" và "Cơm nhà ai người nấy ăn". Có lẽ chỉ trừ những "thổ địa", còn với những khách vãng lai như nhóm phóng viên VTC News thì việc bị "chặt chém" cứ như là điều tất lẽ dĩ ngẫu vậy.

Thêm vào đó, trong suốt hơn 2 giờ ở chợ, chúng tôi cũng chẳng thấy Ban quản lý chợ ngồi ở chỗ nào. Thiết nghĩ nếu có một đơn vị chịu đứng ra giữ trách nhiệm trọng tài thì những chuyện hét giá, cân điêu có lẽ sẽ sớm phải chấm dứt.

Theo VTC News


Từ khóa: