ĐS&TD - Vụ việc chị Lý Thị N. do nợ nần (30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn D (21 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) với số tiền 50 triệu để chặt chân, tay mình rồi giả hiện trường vụ tai nạn nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ lên tới 3,5 tỷ đồng đang khiến dư luận xôn xao.
Hiện trường vụ án nhiều tình tiết vô lí
Đêm 5/5, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được một nam thanh niên báo tin vụ tai nạn tàu hoả tại khu vực phường Phúc Diễn, nạn nhân là một thiếu phụ, bị đứt rời 1/3 chân, tay. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triển khai lực lượng đến hiện trường xác định chị Lý Thị N. đang nằm dọc đường ray bên trái đường sắt theo chiều chạy từ Hà Đông về ga Phú Diễn. Lực lượng công an đã đưa chị N. đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8.
Hiện trường nơi Lý Thị N. thuê người chặt chân tay để tạo hiện trường giả vụ tai nạn tàu hỏa
Tại đây, các bác sỹ đã nối lại bàn tay và bàn chân bị đứt rời cho chị N. Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện 19/8, chị N xin chuyển viện đến Bệnh viện Việt Đức. Do vết thương đã hoại tử nên bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã phải tháo bỏ phần cơ thể bị đứt rời. Chị Lý Thị N là người dân tộc Tày, quê ở Tuyên Quang, hiện đã lấy chồng, có 2 con và sinh sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Trong những ngày chị N nằm điều trị tại Bệnh viện 19/8, điều tra viên thụ lý vụ án đã lấy lời khai tại buồng bệnh và được biết, tối 4/5, chị N. có xin phép chồng về quê ở Tuyên Quang nhưng không được anh này đồng ý. Buồn bã, chị đi lang thang dọc đường sắt từ khu vực phường Xuân Phương về đường 32. Đang đi vô định, chị nghe thấy tiếng còi tàu và có ánh đèn rọi sáng. Chị ngước lên nhìn nhưng không thấy tàu chạy nên lại tiếp tục bước tiếp. Tuy nhiên, đi được vài bước chị thấy đoàn tàu lao đến và cuốn chị vào bên trong. Khi tỉnh dậy, chị thấy đau nhói ở bàn tay và bàn chân trái. Đúng lúc đó có người đi qua nên chị vội vàng kêu cứu. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, các điều tra viên phát hiện có nhiều điểm nghi vấn.
Lãnh đạo công an quận Bắc Từ Liêm cũng tổ chức điều tra, khám nghiệm ngay trong đêm. Người lái tàu khẳng định với cảnh sát không có va quệt nào trên đường di chuyển. Nếu có va chạm thì nạn nhân đã bị cuốn cả người vào gầm đoàn tàu vì có thanh gạt phía dưới đầu máy, chỉ cách đường ray chừng 2cm. Cán bộ khám nghiệm hiện trường kiểm tra tỉ mỉ, tuy nhiên không phát hiện dấu hiệu va quệt.
Cơ quan CSĐT đã làm rõ vết thương của chị N. do vật sắc gây ra chứ không phải va chạm tàu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an cũng xác định chị N. và anh D. có quen biết nhau từ trước chứ không phải vô tình gặp như đã khai.Sau 3 tháng dày công điều tra, cuối cùng chị N. và anh D. đã phải thừa nhận hành vi gian dối của mình.
Chị N. khai nhận do nợ nần nhiều nên đã nghĩ ra cách tự gây tai nạn thương tích để được thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Chị N. đã nhờ anh D. chặt tay và chân mình rồi giả như bị tàu cán.
Đến khoảng 23 giờ ngày 4-5, cả hai ra khu vực đường ray phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm ngồi đợi tàu. Đúng lúc tàu đến, chị N. đặt tay và chân vào trên đường ray do anh D. chặt vừa khớp lúc tàu vừa chạy qua để tạo hiện trường giả. Để đảm bảo việc làm của mình không bị người khác phát hiện, N. đã theo dõi lịch tàu chạy về khu vực ga Phú Diễn và chọn thời điểm lúc nửa đêm, tại khu vực dân cư thưa thớt nhưng gần trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm để tiện việc trình báo và cấp cứu. Không chỉ có vậy, Lý Thị N. còn nghiên cứu rất kỹ các điều kiện, nắm rõ thông tin thương tật ở vị trí nào trên tay, chân thì mới nhận được quyền lợi bảo hiểm, chỉ rõ cho Doãn Văn D. chặt vào đó để có khả năng nối lại được tay, chân của mình.
Vụ việc chưa có tiền lệ tại Việt Nam
Theo hợp đồng bảo hiểm mà chị N. đã mua, nếu hành vi được thực hiện trót lọt thì phía công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho chị N. 3,5 tỉ đồng. Việc chị N.ở Hà Nội đã thuê người chặt chân, tay của mình giả làm tai nạn để nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm là việc xưa nay chưa từng có ở Việt Nam. Vụ việc đang khiến dư luận bàng hoàng và xung quanh vụ việc này vẫn còn có những ý kiến trái chiều về việc có xử lý hay không trách nhiệm hình sự của hai đối tượng N. và D.
Theo Luật sư Đặng Thị Nhung (Công ty Luật TNHH Nguyễn Đỗ và Cộng sự): “Khó xác định tội danh người phụ nữ thuê người chặt tay chân nhằm trục lợi tiền bảo hiểm”. Rõ ràng ở đây, người phụ nữ tên N. vừa là người bị hại lại đồng thời là người chủ mưu, thực hiện ý đồ có tổ chức, có tính toán.Hậu quả nhãn tiền mà chị N.đang phải chịu đó là mang thương tật vĩnh viễn khi tuổi còn quá trẻ và còn bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu cơ hội ở phía trước.
Còn theo quan điểm của cơ quan công an, hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội. Trong những trường hợp phát hiện ra có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có công văn từ chối trả tiền một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm và nêu nguyên nhân từ chối đó.
Nếu trục lợi số tiền dưới 20 triệu hoặc làm thiệt hại dưới 50 triệu thì đưa Cục Quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính xử phạt hành chính. Nặng hơn thì sẽ để cơ quan cảnh sát điều tra xem xét xử lý theo tội hình sự.
Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng chị N. có thể bị phạt hành chính về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng D. lại phải theo quy định pháp luật. Dù được thuê hay vì động cơ nào khác, D. vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Rõ ràng, hành vi của Doãn Văn D. chặt đứt bàn tay, bàn chân của N. có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 BLHS 1999, sửa đổi năm 2009 (Điều 104 BLHS). Được biết, trong vụ này, chị N. và gia đình không có đơn yêu cầu điều tra nên Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm không có căn cứ khởi tố điều tra đối với kẻ chặt chân tay chị N.
Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự 2015 đang được chỉnh sửa, hành vi “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” đã được thể chế hóa thành một tội riêng biệt. Điều 213, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù đối với trường hợp chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Trong trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11%, cả hai người liên quan sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung: Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.
Công Minh