Buôn lậu và hàng giả được dự báo ngày càng tăng nhất là càng cận kề thời điểm cuối năm, tình trạng này sẽ phức tạp hơn.
Buôn lậu và hàng giả được dự báo ngày càng tăng trong thời gian tới nhất là càng cận kề thời điểm cuối năm, tình trạng này sẽ phức tạp hơn. Chính vì vậy, ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng cần có sự phối hợp thông tin không chỉ giữa các cơ quan chức năng trong nước mà còn với các nước có chung đường biên giới.
Vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe máy. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, 10 tháng năm 2013, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xử lý trên 67.000 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách gần 250 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn - nơi luôn được coi là điểm “nóng” về buôn lậu, cho biết các chủ hàng thường sang Trung Quốc đặt mua hàng rồi giao khoán cho các đối tượng “cai” vận chuyển hàng về.
“Cai” lôi kéo cư dân biên giới gánh, vác hàng vào nội địa bằng xe ôtô tải, xe chở khách, xe du lịch, tàu hỏa.
Hàng lậu cũng rất đa dạng về chủng loại, bao gồm hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như điện tử, máy công cụ, quần áo may sẵn, gia cầm, thủy hải sản tươi sống, rau, củ quả, cây, con giống.
Kết quả, trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 6/2013, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 31.600 vụ, phạt hành chính gần 60 tỷ đồng, tịch thu trị giá hàng hóa trên 308 tỷ đồng.
Gian lận thương mại diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc thuê mượn giấy phép kinh doanh đến tiêu thụ trái phép tại thị trường Việt Nam các nguyên, vật liệu tạm nhập để thực hiện gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài đang trở nên phổ biến, nhất là gian lận về thuế ngày càng gia tăng, tinh vi, biểu hiện qua việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, giấy tờ của lô hàng khác, có giá trị thấp hơn.
Tình trạng mua gom hàng hóa miễn thuế tại khu thương mại, công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp với các mặt hàng như bia, rượu, sữa, bánh kẹo, dầu ăn.
Cùng với đó là vi phạm an toàn thực phẩm diễn biến nghiêm trọng, hiện tượng sử dụng hóa chất cấm, chất phụ gia trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm trái quy định tăng ở các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng hàng quá hạn sử dụng, tẩy hạn sử dụng trong thực phẩm chế biến vẫn bị phát hiện.
Không những thế, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến sự nỗ lực đầu tư, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.
Hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng giá trị cao được tiêu thụ ở các thành phố lớn; hàng giả các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ được tiêu thụ chủ yếu tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thực tế hiện nay đã xuất hiện những đường dây liên tỉnh, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt, nhiều nơi đã thành những làng nghề sản xuất, cả làng sống bằng buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, vấn đề “ đau đầu” nhất chính là vi phạm trong sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp đặt hàng từ Trung Quốc giả mạo nhãn hiệu, hoặc hoàn thiện nhãn mác cuối cùng khi đưa hàng ra thị trường.
Việc giả mạo thường tập trung các mặt hàng có nhu cầu cao trên thị trường như quần áo, giầy dép, đồ gia dụng, điện tử với quy mô lớn.
Đáng chú ý hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp cung ứng không hạn chế số lượng, đi sâu vào trong nội địa và bày bán công khai tại các trung tâm thương mại, chợ biên giới, các tuyến phố trung tâm của thành phố.
Mỗi năm, trung bình đơn vị xử lý từ 700-1.000 vụ hàng xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp, có vụ xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng, giá trị hàng hóa xâm phạm tịch thu đến 2,5 tỷ đồng.
Đặc biệt hơn khi việc vi phạm là những doanh nghiệp, những chuyên gia kỹ thuật trong các lĩnh vực, là những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, với trang thiết bị hiện đại và am hiểu pháp luật vì những động cơ khác nhau tham gia chứ không còn là những đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật.
Bên cạnh đó, chính sách của nước láng giềng cho phép các doanh nghiệp của họ sản xuất, xuất hàng giả sang nước khác là nguy cơ lớn nhất của vấn nạn hàng giả mạo sở hữu công nghiệp.
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, của nền kinh tế đất nước mà còn là nguyên nhân hạn chế đầu tư nước ngoài.
Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài dự án EU-Mutrap cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại quốc tế đó là chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu và các nhóm đầu tư trong nước, cũng như quốc tế bởi một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư lưỡng lự khi đầu tư vào một nước đó là xem tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ của nước đó như thế nào.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, tới đây Cục Quản lý thị trường sẽ siết chặt hơn thủ tục kiểm soát hàng nhập khẩu tiểu ngạch cũng như tạo cơ chế cho doanh nghiệp đã được bảo hộ quyền tham gia chủ động, trách nhiệm phối hợp và cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, thị trường diễn biến vô cùng phức tạp, Cục đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhằm phòng ngừa việc lợi dụng lơi lỏng quản lý và những cơ chế chính sách thiếu chặt chẽ.
Cùng đó là việc hạ thấp mức giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu thì mới đủ sức răn đe. Đồng thời, xử lý hình sự đối với những cá nhân, tổ chức biết là hàng lậu, hàng giả mà vẫn sử dụng, tiêu dùng.
Đặc biệt hơn là tập trung vào tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu việc mua bán, sử dụng hàng giả chính là tiếp tay cho vi phạm và chính là thiệt hại quyền lợi của chính mình.
Uyên Hương
theo TTXVN