Hiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và lên kế hoạch phục hồi các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng cũng sẽ khởi sắc trở lại, từ đó giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tín hiệu phục hồi
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động nặng nề lên các hoạt động kinh tế quý III. Theo đó việc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian khá dài đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị đình trệ; cùng với việc sụt giảm tiêu dùng nội địa đã khiến cho GDP quý III giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng khi kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững; xuất nhập khẩu, giải ngân vốn FDI vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
|
|
Trong thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tiền tệ. Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, định hướng, mục tiêu đặt ra từ đầu năm của NHNN được xác định khoa học, duy trì, tạo cơ sở vững chắc cho thị trường, truyền đi thông điệp tập trung mọi nguồn lực để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó trong 9 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ, ngoại hối được duy trì ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng bảo đảm và hệ thống ngân hàng vẫn thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Đặc biệt mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm đã hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Giới chuyên gia cũng ghi nhận và đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt của NHNN đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Tuy nhiên ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Thể hiện rõ nhất là tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng cao. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, khiến dư địa hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng bị thu hẹp.
Hiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và lên kế hoạch phục hồi các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng cũng sẽ khởi sắc trở lại, từ đó giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết, dấu hiệu tốt trong việc phục hồi kinh tế thời gian qua là nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá cao. Chẳng hạn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp tăng 8,54%; tín dụng DNNVV tăng 7,05%; xuất nhập khẩu tăng 7%; công nghiệp phụ trợ tăng 18,89%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24%...
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cũng dự báo, khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng vốn sẽ tiếp tục tập trung chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi kinh tế. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang bước vào quý cuối cùng của năm, nhu cầu về tín dụng thông thường cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
Nhu cầu dịch vụ gia tăng
Các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 có thể khoảng 13%. Đáng chú ý Mirae Asset kỳ vọng, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến xấu khi các nhà băng vẫn được phép tái cơ cấu nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết năm 2022, NHNN cũng có thể kéo giãn thêm thời gian trong trường hợp cần thiết.
Điều này theo các chuyên gia là vô cùng quan trọng bởi nó gắn liền với khả năng cung ứng tín dụng cũng như nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực cũng kỳ vọng, khi các hoạt động dần trở lại bình thường cũng giúp giảm đi đà tăng của nợ xấu ngân hàng từ nay tới cuối năm cũng như trong năm tới vì một số doanh nghiệp khơi thông được sản xuất, dòng tiền phục hồi, những khoản nợ có khả năng trang trải được… Thậm chí những ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng cao thời gian qua sẽ có tiềm năng hoàn nhập dự phòng khi các khoản nợ xấu được xử lý, đặc biệt món nợ liên quan đến Covid-19 khi dịch được kiểm soát.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2021 của các TCTD vừa được Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố cho thấy, trong quý III/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức “thấp” và “giảm” so với quý trước, trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh. Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý IV/2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ tư tác động tiêu cực, song cũng là tác nhân thúc đẩy tiến trình số hoá ngân hàng nhanh hơn bởi việc cấp thiết của duy trì lưu thông tiền tệ liên tục. Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, nền kinh tế phục hồi sẽ giúp tình hình tài chính của người dân được cải thiện, kéo nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng gia tăng. Trên đà đó, việc đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số cũng là giải pháp được đặt ra để thu hút và giữ chân khách hàng nhiều hơn.
Ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam chia sẻ, trong cuộc đua chuyển đổi số, người thắng cuộc sẽ là người đưa ra được trải nghiệm khách hàng tốt và nhanh nhất. Thành công của ngân hàng không đơn thuần chỉ là công nghệ, mà cốt lõi nằm ở mô hình kinh doanh tạo đột phá sáng tạo. Theo ông Minh, “dễ làm, nhanh, rẻ là những gì ngân hàng cần để tạo ra sản phẩm mới. Sự khác biệt tạo ra tương tác và gắn kết khi dữ liệu giúp nâng cao trải nghiệm cá nhân hoá của khách hàng. Cá nhân hoá giúp khách hàng gia tăng tương tác gấp 4 lần”.
Minh Khuê
Theo Thời báo Ngân hàng