Sự kiện hot
3 năm trước

OCB: Ngân hàng đa dạng hóa hoạt động thúc đẩy ROE

Theo PHS, kết thúc nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – sàn HOSE) đạt 7,1%. Do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội lên tình hình kinh tế, PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 của OCB sẽ đạt 16,1%, thấp hơn mức tăng 25,7% vào năm 2020.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, năm 2022, khi hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường, hoạt động sản xuất và kinh doanh phục hồi, PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của OCB sẽ phục hồi lên mức 25,4%.

PHS ước tính OCB sẽ giảm khoảng 100 bps lãi suất cho vay so với nửa cuối năm 2021 trên 20% dư nợ cho vay. Ở chiều huy động vốn, chúng tôi ước tính lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn trung bình của OCB sẽ giảm 20 bps trong nửa cuối năm 2021 so với cuối quý II/2021. Qua đó, đưa NIM năm 2021 giảm 6 bps so với cuối quý II/2021 còn 4,01%, nhưng tăng 11 bps so với cuối năm 2020.

PHS cho rằng Ngân hàng Nhà Nước sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp trong nửa đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế phục hồi, và mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2022 do áp lực của lạm phát, qua đó đưa NIM 2022 đạt 4,07%

Cũng theo PHS, ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/06/2022. Qua đó, PHS ước tính tỷ lệ nợ xấu của OCB đạt 1,80% trong năm 2021 và đạt 1,92% vào năm 2022.

Thông tư 14 giữ nguyên tiến độ trích lập dự phòng của Thông tư 01. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của OCB vào cuối tháng 6/2021 là 70%, thấp hơn mức trung bình ngành là 88%. Do đó, PHS ước tính chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021 và năm 2022 tăng lần lượt là 43,1% so với cùng kỳ năm trước và 49,4% lên 1.807 tỷ đồng và 2.700 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2021 và năm 2022 lên lần lượt là 74,4% và 83,4%.

PHS khuyến nghị: Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu OCB là 31.100 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Áp lực từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tới hoạt động của OCB trong năm nay; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Rủi ro từ nguồn doanh thu từ mua bán chứng khoán đầu tư không bền vững.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/10, cổ phiếu OCB tăng 0.19% lên mức 25.750 đồng/cổ phiếu.

Nhật Minh

Theo KTDU

Từ khóa: