Theo số liệu mới được Bộ Công nghiệp Trung Quốc công bố, tăng trưởng GDP quý 3/2011 của Trung Quốc ở mức 9,1%, thấp hơn nhiều so với mức 9,5% trong quý 2 và 9,7% trong quý 1.
Theo số liệu mới được Bộ Công nghiệp Trung Quốc công bố, tăng trưởng GDP quý 3/2011 của Trung Quốc ở mức 9,1%, thấp hơn nhiều so với mức 9,5% trong quý 2 và 9,7% trong quý 1.
Theo các chuyên gia kinh tế, GDP Trung Quốc có thể không lạc quan như các con số công bố.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong cả năm 2011 sẽ là 9,2% và tiếp tục đi xuống trong năm 2012. Theo ông Hoàng Lệ Tân, quan chức của Bộ Công nghiệp Trung Quốc, việc mở rộng hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2012 sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ 1-2% so với năm 2011.
Tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm thêm trong năm 2012 do ảnh hưởng bởi "vũng lầy" khủng hoảng nợ công tại nhiều nước trên thế giới, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sức ép từ bên ngoài đối với việc tăng giá đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, tình hình có thể không lạc quan tới vậy, bởi theo bản tin cuối tuần trước của VOA dẫn lời một nhà nghiên cứu tài chính nổi tiếng ở Trung Quốc, thì nền kinh tế này đã lâm vào suy thoái từ khá lâu. Phát biểu tại Thẩm Dương cuối tháng 10, giáo sư Lang Hàm Bình của Đại học Trung Văn (Hồng Kông) cho rằng, "9,1% là giả. Lạm phát 6,2% cũng là giả. Ít nhất là 16%”.
“Cứ cho là tăng trưởng GDP 9%, lạm phát 6%, thì lấy 9 trừ 6 còn lại 3. Đó là tăng trưởng GDP thật sự. Chưa tới 3%. Còn nếu lạm phát là 16%, thì tăng trưởng GDP của chúng ta hiện nay là -7%", ông nói. Một trong những nguyên do làm tăng lạm phát là Trung Quốc đã “in tiền quá nhiều”. GDP của Mỹ cao gấp 2,5 lần so với Trung Quốc, nhưng lượng tiền mà Trung Quốc in ra lại cao hơn 30% so với Mỹ.
Nghiêm trọng hơn, theo vị giáo sư đến từ trường Đại học Trung Văn này, thì kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm từ tháng 7/2011. Bằng chứng được thể hiện ở chỉ số sức mua (PMI) của các nhà quản lý ngành sản xuất. Ông cho biết, ngay từ tháng 7, PMI của Trung Quốc đã có mức dưới 50 điểm, mà theo tiêu chuẩn đánh giá, "nếu PMI trên 50 điểm thì có nghĩa là kinh tế phát triển bình thường, dưới 50 thì chứng tỏ kinh tế suy thoái”.
Giáo sư Lang Hàm Bình cũng cho rằng, ngành chế tạo của Trung Quốc đang điêu đứng. "Kết quả nghiên cứu thực địa của tuần báo Nhà Quan sát Kinh tế cho thấy, ở Giang Tô và Chiết Giang, tỷ lệ sản xuất của ngành may mặc chưa tới 1/3, ngành nhựa 50%, ngành cao su 60%, ngành ép dầu đậu nành chưa tới 30%”, ông nói.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện còn đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tín dụng. Ông Lang Hàm Bình cảnh báo, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc sẽ đua nhau vỡ nợ trong năm nay vì vay tiền quá nhiều.
Tháng 10 vừa qua, Cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc cho biết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương đã tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Ông Lưu Minh Khương, lãnh đạo cơ quan này, nói rằng nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 50% GDP tính đến cuối năm 2010, thấp hơn mức báo động là 60%.
Trong khi trước đó, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho hay khoản nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc cao hơn con số ước tính của Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) đến 3.500 tỷ Nhân dân tệ (540 tỷ USD).
Bà Trương Nghị, Phó giám đốc Moody's tại Trung Quốc nói: "Khi so sánh số liệu của NAO với báo cáo của các cơ quan quản lý ngân hàng, chúng tôi thấy rằng, NAO có thể đã thống kê thiếu số nợ mà các chính phủ địa phương vay của ngân hàng".
Bà Trương giải thích rằng do các khoản nợ này không thuộc phạm vi quản lý của NAO, chúng không được NAO tính là nợ thực của chính quyền địa phương. "Điều này cho thấy các khoản nợ này dễ bị kê khai không đủ và có thể dễ thành nợ không trả được nhất".
Hãng tin BBC dẫn lời một chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ, giáo sư Bùi Mẫn Hân cho hay, nếu tính cả nợ của các chính quyền địa phương và chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cũng như trái phiếu mà các ngân hàng này phát hành bên cạnh trái phiếu đường sắt, tổng số nợ của Trung Quốc chiếm 70 - 80% GDP.
Ông Bùi Mẫn Hân cho rằng, Trung Quốc đang đi theo quỹ đạo không bền vững và kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập niên tới. Nếu cuộc khủng hoảng của phương Tây do người tiêu dùng vay nợ quá mức gây ra thì những khoản vay mà các chính quyền địa phương đổ vào phát triển hạ tầng cũng có thể tạo ra sự phát triển bong bóng tương tự.
Theo các dữ liệu mà chuyên gia này đưa ra, các dự án cơ sở hạ tầng mà chính quyền địa phương đầu tư vào chỉ có thể tạo ra lợi nhuận để trả 30% các khoản vay. Trong khi đó đất đai mà chính quyền địa phương thế chấp để vay vốn đang có giá trị bấp bênh do thị trường địa ốc có thể suy sụp.
Chính vì vậy, ông Hân nói, có nhiều khả năng các chính quyền địa phương sẽ không trả được nợ, mà đa số sẽ tới hạn phải trả trong hai năm tới đây, và chính quyền trung ương sẽ phải giải cứu. Và khi Bắc Kinh phải cấp tiền cho chính quyền địa phương để trả nợ thì số tiền họ có để đầu tư vào nền kinh tế sẽ giảm xuống, khiến cho mức tăng trưởng sẽ lại càng có nguy cơ giảm đi trong thời gian tới.
Gần đây nhất, trong bản phúc trình về hệ thống tài chính Trung Quốc công bố hôm 15/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo rằng giá nhà đất tăng mạnh, ngân hàng cho vay quá nhiều, và nợ chính quyền địa phương càng ngày càng tăng đang tạo ra rủi ro cho kinh tế Trung Quốc.
Giáo sư Lương Hàm Bình nói rằng, Trung Quốc đang bàn tới việc trợ giúp Hy Lạp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nần, trong khi nhiều địa phương ở Trung Quốc đang là một Hy Lạp.
Hồng Ngọc
Theo VnEconomy