Sự kiện hot
8 năm trước

Kinh tế Việt Nam sẽ bất ổn khi phụ thuộc quá nhiều vào FDI

Đó là ý kiến của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, Đại học Fulbright Việt Nam tại buổi Tọa đàm Đánh giá kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm và nhận định các chính sách nổi bật của chính phủ diễn ra chiều 15/5 tại TP.HCM do Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao và Đại học Fulbright tổ chức.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Sankyo Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP.HCM). Ảnh: T.D.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2017 của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều diểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng không tăng, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng 7,4% và cao hơn 4,2% của quý I.

Về vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh, đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, với gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới đạt tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế Việt Nam quý 1/2017 đang có những bất ổn nhất định.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, GDP đang có sự tăng trưởng chậm hẳn lại với 5,1% trong khi quý 1 2016 là 5,5%. GDP tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các chỉ số như XNK giảm, tín dụng, nợ công tăng, thâm hụt ngân sách. Nguyên nhân lớn khiến GDP giảm đó là sự suy giảm về công nghiệp và xây dựng với mức tăng 4,2% trong quý 1/2017 (cùng kỳ 2016 tăng 6,7%). Đây là mức tăng thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Trong ngành công nghiệp thì sự suy giảm về lĩnh vực điện thoại và linh kiện chiếm phần lớn (tăng trưởng âm 10,7% trong 4 tháng đầu năm). Điều này cho thấy nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào DN FDI do kim ngạch XNK của lĩnh vực FDI chiếm hơn 40% tổng kim ngạch.

Đồng thời, việc trải thảm đỏ thu hút đầu tư FDI đang khiến hệ sinh thái DN có sự phân biệt lớn trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nếu cứ tạo ra sự phân tầng như vậy thì các DN nhỏ và vừa rất khó để phát triển.

Việc nhập siêu cũng đang là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trở nên bất ổn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/4/2017, Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Hàn Quốc 9,3 tỷ USD, Trung Quốc là 9 tỷ USD. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của DN trong nước còn thấp, chưa được cải thiện.

Đầu tư công ì ạch, tính đến 15/3, chi đầu tư phát triển từ ngân sách mới đạt 32.600 tỷ đồng, chỉ bằng 9,1% dự toán năm 2017. Đây là mức giải ngân chi đầu tư phát triển thấp nhất trong quý 1 của nhiều năm trở lại đây. Chậm do cơ chế giải ngân, cơ chế đấu thầu…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4% như đã đề ra từ đầu năm 2017, trong 3 quý còn lại của năm nay, nền kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng trên 7%. Điều này là khó thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại và phụ thuộc vào các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, để bù đắp GDP cũng như để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7 trong năm 2017, một số chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, muốn tăng trưởng GDP thì có thể tăng "bơm dầu", "bơm tiền", tức là đẩy mạnh khai thác khoáng sản để xuất khẩu hay tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, những giải pháp này không mang lại hiệu quả cao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương đến nền kinh tế và bất ổn về kinh tế vĩ mô. Đánh giá về tác động của GDP tăng trưởng thấp trong 4 tháng đầu năm, các DN nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang có những khiếm khuyết cơ bản về năng lực cạnh tranh; đồng thời, GDP giảm không thuần túy về mức tăng trưởng mà đằng sau là những năng lực cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam chưa được cải thiện hiệu quả.

Theo đó, về lâu dài, theo các đại biểu tham dự tọa đàm, Chính phủ cần giải quyết căn cơ vấn đề tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu. Tái cơ cấu đầu tư công nhằm hạn chế các dự án đầu tư vào các lĩnh vực không có khả năng cạnh tranh và quản lý triển khai yếu kém.

Phát triển DN tư nhân, cổ phần hóa DN Nhà nước… Đặc biệt, Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển, tạo ra một sân chơi bình đẳng trong hệ sinh thái DN. Đồng thời, tạo hệ thống cung ứng, giúp các DN nhỏ nương theo các DN lớn để kết nối vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh đó, giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào một vài DN FDI để giảm độ rủi ro. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2017 của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều diểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng không tăng, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng 7,4% và cao hơn 4,2% của quý I.

Về vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh, đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, với gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới đạt tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng.

Thu Dịu
Theo Báo Hải quan

Từ khóa: