Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng không đồng đều

Theo VDSC, tăng trưởng GDP quý 1/2022 đạt mức 5,0%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm đại dịch 2020- 21 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 2017-19, thời điểm trước khi đại dịch diễn ra.

Theo VDSC, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng không đồng đều

Theo VDSC, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng không đồng đều - Ảnh minh họa.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tăng trưởng quý đầu năm cho thấy sự phục hồi kinh tế phù hợp với kỳ vọng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất tiếp tục là điểm sáng của tăng trưởng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng đóng góp khoảng 24% vào GDP ghi nhận mức tăng 7,8% so với cùng kỳ, mức tăng này dù thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1/2021 (8,9%) nhưng xấp xỉ mức tăng 7,9% trong quý 4/2021.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Những ngành có mức tăng trưởng tốt nhất trong lĩnh vực này gồm Dệt may (tăng 24,1%), Máy móc – Thiết bị (tăng 16,2%), Da giày (tăng 10,4%), Kim loại đúc sẵn (tăng 10,1%) và Hàng điện tử (tăng 9,4%). Xét chung lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nhóm này tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của quý 4/2021 nhờ sự phục hồi tích cực của ngành sản xuất, phân phối điện và khí đốt.

Khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng 4,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 5,4% trong quý 4/2021 nhưng cao hơn mức tăng của quý đầu năm trong giai đoạn 2020-2021. Sự phân hóa về tăng trưởng trong khu vực này thể hiện khá rõ. Cụ thể, những nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng cao gồm Y tế (tăng 13,2%), Tài chính – Ngân hàng (tăng 9,8%), Vận tải – Kho bãi (tăng 7,1%), đây cũng là những ngành có sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với giai đoạn 2020-2021.

Trong khi đó, lĩnh vực Bán buôn – Bán lẻ chỉ tăng trưởng khoảng 3,0% so với cùng kỳ dù quý đầu năm là mùa cao điểm của tiêu dùng, mức tăng này cũng thấp hơn nhiều so với giai đoạn hai quý đầu năm 2020-21. Hay lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn tăng trưởng âm khoảng 1,8% so với cùng kỳ, dù mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn 2020-2021.

Cuối cùng, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 10% vào GDP ghi nhận mức tăng ổn định 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng tôm ghi nhận mức tăng tích cực nhất với mức tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Xét về góc độ sử dụng GDP, tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng và tài sản cố định lần lượt là 4,3% và 3,2% so với cùng kỳ, đều thấp hơn mức tăng trưởng chung là 5,0%. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 1/2022 có sự đóng góp đáng kể từ khu vực xuất nhập khẩu. Theo ước tính của TCTK, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước tăng lần lượt 5,1% và 4,2% so với cùng kỳ trong quý 1/2022. Tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 12,9% và nhập khẩu tăng 15,9%.

Trong tháng 3/2022, một số tổ chức tài chính (HSBC, Fitch Rating, Vinacapital) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 từ mức cao khoảng 6,5-7,5% xuống còn 6,1-6,5%. Trở ngại đối với tăng trưởng được nhắc đến nhiều nhất hiện là giá cả nguyên liệu tăng cao, sức cầu trong dân yếu, triển vọng thương mại chuyển biến kém do sự chững lại trong tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, VDSC kỳ vọng mức nền thấp trong tăng trưởng của Q2-Q3/2021 sẽ là cơ sở để giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng trên 6,5% trong năm 2022.

Ngoài ra, đà phục hồi sẽ dần trở nên rõ rệt cùng với quá trình mở cửa lại biên giới, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và du lịch trong những quý cuối năm. Trong kịch bản lạc quan, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của cả năm 2022 là 6,8%.

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: