Sự kiện hot
3 năm trước

KIS: Thủy điện bùng nổ trong tháng 6

Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành điện. Theo KIS, thủy điện đạt kết quả thuận lợi trong tháng 6.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo cũng chỉ ra, theo EVN, tổng sản lượng điện sản xuất trong tháng 6 là 24,52 tỷ kWh (tăng 5,1% so với tháng trước, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Dựa trên số liệu thu thập của KIS, tổng sản lượng điện 6 tháng 2022 tăng 3,6% so với cùng kỳ lên 133,1 tỷ kWh.

Cũng theo KIS, sản lượng thủy điện tăng mạnh, đạt 11 tỷ kWh (tăng 33% so với tháng trước, tăng 71,3% so với cùng kỳ) do mưa bất thường trong tháng 5 – 6, nhất là ở khu vực miền bắc ngay trong cao điểm mùa khô. Thậm chí, sản lượng thủy điện tháng 6 còn cao hơn các tháng cao điểm của những mùa mưa trước đó.

Điều này đã khiến giá bán trung bình trên thị trường điện cạnh tranh (FMP) trong tháng 5 quay đầu giảm mạnh còn 1.136 VND/kWh (giảm 37% so với tháng trước). Lưu lượng nước về hồ tăng mạnh khiến cho các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn la, Tuyên Quang phải tăng xả đáy ngay cả trước thời điểm mùa mưa.

Từ cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6, thủy điện được huy động tới 50% trong giờ cao điểm buổi trưa và hơn 90% công suất trong giờ cao điểm buổi tối.

Sản lượng nhiệt điện than và điện khí lần lượt giảm về mức 7,67 tỷ kWh (giảm 15,1% so với tháng trước, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,25 tỷ kWh (giảm 11,8% so với tháng trước, giảm 5,5% so với cùng kỳ) trong bối cảnh giá than và khí thế giới tăng cao.

Giá dầu FO Singapore (tham chiếu của giá khí đầu vào PV GAS cung cấp cho các nhà máy điện khí) tháng 6 giảm nhẹ 2,5% so với tháng trước nhưng vẫn trên mức 600 USD/tấn.

Các nhà máy điện than gặp khó khăn trong 4 tháng 2022 do tình trạng thiếu hụt than. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu hụt than đã có nhiều cải thiện khi hoạt động của Vinacomin trở lại mức bình thường.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thông thường chu kỳ La Nina chỉ kéo dài 2 năm, tuy nhiên lần này La Nina đã hoạt động được 3 năm. Trung tâm cũng dự báo từ đây đến cuối năm sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, một số trong đó sẽ có diễn biến khá phức tạp.

Theo IRI, khả năng xảy ra La Nina có thể sẽ suy yếu trong tháng 7 và tháng 8 và mạnh trở lại từ tháng 9 trở đi nhưng với xác suất chỉ quanh 60%. Tuy nhiên đây cũng là tỷ lệ khá cao trong mùa mưa năm nay, và có thể gây ra mưa nhiều tại khu vực trung tâm phía tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam.

Ngoài ra, không khí lạnh xuất hiện sớm (từ tháng 10 – tháng 11) kết hợp với bão nhiệt đới có thể khiến lượng mưa tại miền bắc từ tháng 7 - 9 cao hơn trung bình mọi năm. Có thể xuất hiện các đợt mưa rải rác ở khu vực duyên hải từ tháng 10 - 12.

Dự kiến tại khu vực miền Trung, sức gió sẽ được cải thiện dần từ cuối quý III do ảnh hưởng từ các cơn bão và quý IV do ảnh hưởng bởi gió mùa Đông Bắc.

Nhật Minh 

Theo KTĐU

Từ khóa: