Các nhà nghiên cứu phát hiện, một loài rùa mai mềm ở Trung Quốc có thể bài tiết nước tiểu qua miệng. Khả năng độc đáo này được cho là giúp chúng có thể xâm lấn các môi trường nước mặn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, một loài rùa mai mềm ở Trung Quốc có thể bài tiết nước tiểu qua miệng. Khả năng độc đáo này được cho là giúp chúng có thể xâm lấn các môi trường nước mặn.
Theo trang Live Science, các nhà khoa học đã tìm hiểu về loài rùa mai mềm của Trung Quốc có tên gọi khoa học là Pelodiscus sinensis. Những sinh vật này thường được tìm thấy trong các vùng đầm lầy nước lợ và thậm chí cả ở biển.
Cận cảnh một cá thể rùa mai mềm Trung Quốc Pelodiscus sinensis.
Ảnh: Live Science
Điều đáng ngạc nhiên là, các con rùa Pelodiscus sinensis luôn dìm đầu của mình vào các vũng nước nhỏ trên cạn dù chúng là sinh vật hít thở không khí, chủ yếu dựa vào phổi để lấy oxy – đặc điểm khiến chúng dường như không thể thở dưới nước.
Một số loài cá bài tiết urê – sản phẩm thải loại chính được tìm thấy trong nước tiểu – qua mang của chúng. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, loài rùa mai mềm của Trung Quốc cũng có thể bài tiết urê qua miệng khi dìm đầu vào nước do sở hữu những phần lồi ra kỳ lạ, giống như mang cá trong miệng.
Nhóm nghiên cứu đã mua các con rùa mai mềm ở khu vực Chinatown tại Singapore và đo lượng urê mà những con bò sát này bài tiết ra nước tiểu bằng cách gắn các ống nhựa vào giữa 2 chân sau của chúng. Họ phát hiện, nước dùng để nhốt giữ rùa có nồng độ urê cao gấp 15 lần lượng urê có trong nước tiểu của chúng.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã nhốt giữ rùa trong các hộp khô và tạo cho chúng một vũng nước nhỏ để có thể dìm đầu vào đó.
Họ nhận thấy, các con rùa này có thể nhấn chìm đầu xuống nước trong khoảng thời gian kéo dài tới 100 phút và có thể bài tiết thêm gấp 50 lần lượng urê qua miệng của chúng so với qua cơ quan bài tiết ở cuối thân.
Thêm vào đó, khi các nhà nghiên cứu tiêm urê vào cơ thể các con rùa, họ phát hiện nồng độ urê trong nước bọt của những sinh vật này cao gấp 250 lần trong máu.
Nhà nghiên cứu Yuen Kwong Ip, một chuyên gia sinh vật học phân tử thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Chúng ta nhìn chung công nhận rằng, thận chịu trách nhiệm bài tiết urê ở các động vật có xương sống, trừ cá. Trái ngược với quan niệm phổ biến này, kết quả nghiên cứu của chúng tôi hé lộ rằng miệng có thể là một đường bài tiết urê quan trọng ở rùa mai mềm”.
Các nhà khoa học nhận định, rùa mai mềm Trung Quốc bài tiết urê qua miệng thay vì thận do môi trường sống nước mặn của chúng.
Quá trình tiểu tiện đòi hỏi sinh vật phải uống nước sạch để thải loại urê. Trong khi nước muối mặn không an toàn cho việc uống vào. Do đó, các con rùa mai mềm trung Quốc phải súc miệng bằng nước trong môi trường sống để tránh các vấn đề gây ra từ việc uống nước muối.
Tuấn Anh
Theo Vietnamnet