Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra một thời kỳ mới, vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Tôi muốn mượn một câu vô cùng quen thuộc với mọi người trong bài hát tuyệt hay về Hà Nội để làm tựa cho bài viết: “Hà nội ơi ta nhớ không quên. Hà Nội luôn trong trái tim ta”. Lịch sử là bệ đỡ của tương lai. Thế hệ cha anh ở thế kỷ 20 đã làm nên chiến thắng lịch sử bằng “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt trước sức tàn phá, hủy diệt của đạn bom Hà Nội vẫn được bảo vệ, giữ gìn; khôi phục và phát triển mở rộng ở những năm đầu thế kỷ 21. Hà Nội hai trong một: hiện đại và cổ kính, bảo tồn và phát triển.
Hà Nội lõi (trung tâm) còn giữ được nét cổ kính, hơi thở lịch sử của Hà Nội cổ xưa song hành cùng với Hà Nội “mới” mở rộng về các phía để thành thủ đô hiện đại mang tầm hội nhập quốc tế. Dân số tăng, hạ tầng phải phát triển tương ứng để đáp ứng nhu cầu ăn ở, đi lại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hà Nội đón nhận nhiều thời cơ cùng thách thức của thế kỷ 21: việc làm, chỗ ở, chất lượng cuộc sống giữa các vùng, năng lực quản trị xã hội, thành phố, chất lượng quy hoạch, kỷ cương đô thị…
Dịch covid-19 tác động không nhỏ và để lại hệ lụy lâu dài; trái lại, chính trong nguy nan dịch bệnh cũng giúp chúng ta thẩm định chính mình: bộc lộ những mạnh, yếu trong từng cá nhân, tổ chức, lĩnh vực, ngành; trong đó có năng lực, trình độ, bản lĩnh, phẩm cách của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Có thể dịch bệnh cũng góp phần làm Hà Nội lỗi hẹn với người dân Thủ Đô khi chậm hoàn thành: dự án đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, dự án cải tạo làm sạch nước sông Tô Lịch, nhiều công trình dân sinh thiết yếu khác. Hà Nội đã và mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam với danh xưng Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, niềm tin yêu hy vọng, trái tim hồng…
Trong chiến tranh, Hà Nội là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh dân tộc- và thời đại luôn ngẩng cao đầu- không khuất phục, không cam chịu nô lệ; đã từng trở thành chiến lũy bảo vệ Thủ đô, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; là hậu phương lớn để giải phóng miền Nam- là đòn giáng chí tử đánh bại ý đồ rải thảm bom trong cuộc không kích bằng máy bay B52 đánh phá miền Bắc trong 12 ngày đêm để rồi chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán đặt bút ký kết hiệp định Pari năm 1972.
Hà Nội tự hào “Ta đánh giặc trên mâm pháo và bức ảnh đi vào lịch sử: O du kích nhỏ giương cao súng- thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”. Hà Nội là điểm tựa tinh thần, biểu tượng của chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do- Hà Nội vì cả nước. Cả nước vì Hà Nội. Bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội luôn là trái tim tràn đầy sức sống. Máu chảy về tim: dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội thủ đô ngàn năm yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình.
Thành phố nhỏ xinh- trung tâm chính trị của đất nước với những địa danh lịch sử- văn hóa quen thuộc: chùa Một Cột; Văn miếu Quốc Tử Giám; Hoàng thành Thăng Long; Khuê Văn Các; cầu Thê Húc; Tháp Rùa Hồ Gươm; Quảng trường Ba Đình; Lăng Bác Hồ, Nhà Quốc hội… nhắc nhở chúng ta về lịch sử hào hùng của dân tộc, trong đó có hình ảnh năm xưa, cả Thủ Đô bừng sáng, rực màu cờ hoa rang rộng đón chào những người con của mình từ chiến trường Điện Biên Phủ tiến quân về giải phóng Thủ Đô: “Năm cửa ô xòe năm cánh rộng. Đoàn quân về nhấp nhô như sóng. Những ngôi nhà dường muốn cao thêm. Tháng 10 ấy là khúc ca say. Khúc ca của những chiến công này”.
Sự kiện ấy cách đây gần bảy thập kỷ mãi là ký ức chứa chan lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Trân trọng lịch sử là phải biết giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử; hiến kế, góp sức xây dựng Thủ đô ngày một giàu đẹp văn minh.
Có lẽ chưa bao giờ, chưa khi nào nhiều thành phố, địa phương, quận, huyện, làng xã, phường lại phải thực hiện “giãn cách xã hội” hàng tháng trời, nhiều đợt. “Ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, người cách ly người”; mọi mối liên hệ chỉ qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.
Và cũng chưa bao giờ thuật ngữ thường chỉ dùng trong thời chiến lại được mang ra dùng phổ biến đến thế trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19: nào là pháo đài, trận tuyến, phòng ngự, tấn công, phong tỏa, thế trận, chốt, chuyển trạng thái, chiến sĩ, đẩy lui, chống dịch như chống giặc…
Chưa bao giờ, cuộc sống nơi đô thị, thành phố vốn tấp nập náo nhiệt, sôi động lại phải thay bằng cảnh phố phường vắng lặng, đìu hiu đến tê người, im lặng đến như tờ. Mùa Thu Hà Nội năm nay cũng buồn đến nao lòng. Hà Nội vừa trải qua đợt giãn cách xã hội lần thứ 4, nhịp sống đời thường bị đảo lộn.
Chưa bao giờ trung thu không được ra đường ngắm trăng. Phố Hàng Mã đóng cửa im lìm. Nhưng chúng ta luôn có niềm tin mãnh liệt, Hà Nội cũng như cả nước sẽ trở lại cuộc sống bình thường mới sau khi đẩy lui dịch Covid -19. “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào… Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng. Chợt hoàng hôn về tự bao giờ…” . Đó là kỷ niệm không thể quên của người Hà Nội khi đón mùa thu năm Tân Sửu 2021.
Văn Hùng
Theo KTDU