Sự kiện hot
9 tháng trước

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7): Sống với người ở lại

Mỗi khi nhắc nhớ về ngày kỷ niệm này, mỗi chúng ta đều tự hứa với mình hãy sống và làm việc xứng đáng với những gì mà các anh hùng liệt sĩ,thương binh, bệnh binh,đồng bào,chiến sĩ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập,tự do,hòa bình,thống nhất đất nước.

Sống với người ở lại: Đây được xem là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta khi nghĩ về và thể hiện sự biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ, những gia đình, người có công với dân với nước. Mới đây thôi, 5 chiến sĩ công an xã đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk. Mất mát đó không thể khỏa lấp trong gia đình, người thân yêu của họ.

Xã hội luôn trân trọng, ghi nhớ và biết ơn những cống hiến của các anh vì sự bình yên của đất nước, cuộc sống của nhân dân. Thực tế ấy gửi đi thông điệp, đất nước đã hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc nhưng đổ máu, hy sinh để cuộc sống bình yên, hạnh phúc vẫn và sẽ là lẽ thường, tất yếu cuộc sống. Nhìn ra thế giới đang hiện hữu xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, can thiệp vũ trang… gieo rắc đau thương, chết chóc cho bao người. Hòa bình của mỗi quốc gia, dân tộc vẫn có thể bị uy hiếp. Hơn bao giờ hết, hòa bình luôn là nỗi khát khao cháy bỏng của con người trên trái đất này.

Việt Nam là dân tộc đã trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập và gìn giữ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ. Hệ lụy của chiến tranh rất nặng nề, tàn khốc, kéo dài qua nhiều thế hệ. Tính đến năm 2022 cả nước có 1.146.250 liệt sĩ (191.605 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp; 849.018 liệt sĩ chống Mỹ); 105 .627 liệt sĩ trong các chiến dịch khác để bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc; cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo); trên 200.000 hài cốt các liệt sĩ chưa tìm thấy ở chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia; gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách thương binh; trên 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, quê quán, đơn vị..; trên 300.000 người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111.000 người hoạt động cách mạng và tham gia kháng chiến; trên 127.000 bà mẹ VNAH có chồng con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Công cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ vẫn đang được khai triển. Làm thế nào để tìm và đưa họ trở về với người thân, quê hương gia đình cho dù thời gian cứ trôi đi, mỗi ngày lại thêm khó, hy vọng dần mỏng manh? Cùng với việc tu bổ, tôn tạo, xây dựng mới nghĩa trang, tượng đài anh hùng, liệt sĩ, hoạt động thiết thực hơn tất cả là chăm lo đến mức cao nhất, tốt nhất, nghiêm túc thực hiện tốt chính sách đãi ngộ với gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, những người có công với dân, với nước. Đảng, nhà nước, nhân dân luôn kính trọng, biết ơn sự hy sinh vô giá của họ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. 

Hàng năm, hướng tới ngày kỷ niệm, trên khắp mọi miền đất nước, hoạt động kỷ niệm, tri ân công lao anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với đất nước diễn ra sôi nổi, phong phú, đã dần đi vào chiều sâu, thiết thực. Song, còn đó những góc khuất đời thường, những khiếm khuyết, hạn chế, thậm chí tiêu cực trong công việc mang ý nghĩa “đặc biệt” này. Tri ân thiết thực là chăm lo thật chu toàn cho những người, gia đình xứng đáng được bù đắp. Xã hội, nhất là lực lượng truyền thông cần coi đây là chủ đề, đề tài chính trị- xã hội - nhân văn quan trọng để chủ động phát hiện, góp sức cùng các cơ quan chức năng liên quan thực hiện chu đáo, tỷ mỷ công việc chăm sóc các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công. Hoạt động của nhiều tổ chức hội, nhóm, câu lạc bộ…mang tính tự nguyện được xã hội hóa cao đã góp phần rất thiết thực cho công tác chăm lo trên.

Báo chí đã từng phát hiện, ngợi ca những tấm gương bình dị mà cao quý, đó là các cán bộ, nhân viên ở các trung tâm chăm sóc thương bệnh binh tỉnh, thành đã ngày đêm tận hiến bằng công việc lặng thầm mà nhọc nhằn, khó khăn vất vả. Họ thật sự là người luôn đi đầu mỗi khi trả lời câu hỏi “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”.

Không để cho các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh phải chịu thiệt thòi, bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống thực tại được xem là mệnh lệnh của trái tim những người làm công tác trong lĩnh vực thương binh, xã hội. Với nguồn kinh phí, ngân sách của nhà nước có hạn, chế độ chính sách chưa theo kịp chuyển dịch của cuộc sống mau lẹ, phương châm “xã hội hóa” hoạt động chăm lo cho đối tượng trên luôn mang ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng.

Những năm gần đây, hoạt động giao lưu gặp gỡ nhân chứng lịch sử chiến tranh; sưu tầm, trao nhận kỷ vật của liệt sĩ từ những người đã tham gia chiến tranh, trong đó có người Mỹ diễn ra khá sôi động, mang lại hiệu quả tích cực, thiết thực. Theo đó, kỷ vật chiến tranh, ký ức lịch sử đau thương và bi tráng của dân tộc trở thành bài học giáo dục lịch sử vô giá với thế hệ hôm nay.

Thông qua nhiều hình thức, giới thiệu tác giả và các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử và chiến tranh (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tác giả cuốn sách Người Thầy; Nhà báo Hoàng Hải Vân tác giả cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”; giao lưu tác giả trẻ (chưa qua chiến tranh) của tác phẩm mới về chiến tranh cách mạng; thông qua các cuộc trưng bày kỷ vật chiến tranh ở bảo tàng trong nước và quốc tế những cuốn sách, kỷ vật của các tác giả như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (Mãi mãi tuổi 20); cuốn “Những bức thư thời chiến” của Đại tá, nhà báo Đặng Vương Hưng làm xúc động hàng triệu trái tim ở mọi thế hệ, lứa tuổi người Việt Nam. Những lá thư chứa đựng tình cảm con với bố mẹ, tình yêu đôi lứa, nơi chiến trường khói lửa và cái chết cận kề với người thân yêu nơi quê nhà mong ngóng từng giờ để được hòa bình, đoàn tụ, xum vầy, hưởng hạnh phúc…

Những bức thư nhuộm màu chiến tranh, mang âm hưởng cuộc chiến, dính đất, đá, bùn, mồ hôi, nước mắt và máu…đã góp phần phục dựng nguyên vẹn ký ức cuộc chiến đấu giải phóng đất nước vĩ đại của dân tộc anh hùng.

Cuộc sống và sự tận hiến của thương binh, liệt sĩ và gia đình họ luôn hiện hữu. Qua những thước phim tài liệu lịch sử, phim tái hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh, văn học, kỷ vật, ánh sáng, nét chữ, hình ảnh…là hiện thực sống động đầy sức lay động và thuyết phục về những năm tháng bi tráng. Tích hợp lại đây là kênh thông tin tạo mô hình giáo dục chính trị, tư tưởng hữu ích có thể thay tư duy trừu tượng bằng trực quan sinh động.

Thời bình nhưng vẫn hiện hữu chứng kiến sự hy sinh của các chiến sĩ phi công, chiến sĩ biên phòng, người lính cứu hỏa, cảnh sát giao thông hay lực lượng phòng chống tội phạm hình sự: ma túy, buôn lậu hàng cấm, buôn bán người, vượt biên trái phép trên biển, trên đất liền…

Mọi mặt trận đấu tranh giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, quốc phòng...gìn giữ bình yên đất nước và bảo vệ Tổ quốc đều cần sự dâng hiến của họ. Mỗi khi nhắc nhớ về ngày kỷ niệm này, mỗi chúng ta đều tự hứa với mình hãy sống và làm việc xứng đáng với những gì mà các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước đã mang lại cho dân tộc này, đất nước này.

Xây dựng nhà tình nghĩa, nhận nuôi dưỡng con em các liệt sĩ, chăm sóc các thương bệnh binh, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, chia sẻ những mất mát, hy sinh, khó khăn trong cuộc sống thường nhật để giúp họ vượt qua, có cuộc sống ổn định hạnh phúc. Đó là triết lý cao đẹp: Sống với những người ở lại! 

VĂN HÙNG 
Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: