Đó luôn là mục đích phấn đấu của báo chí cách mạng. Mối quan hệ biện chứng giữa tin cậy và đồng hành luôn là thách thức, là phép thử với người làm báo...
Thông tin trung thực, khách quan, kịp thời có tác động tích cực đến cuộc sống là cơ sở quan trọng để độc giả tin yêu và luôn song hành cùng báo chí. Trong xu thế tất yếu xóa bỏ bao cấp, vận hành theo cơ chế thị trường, hoạt động báo chí phải tự xây dựng tiềm lực vật chất, nghĩa là, báo chí phải dựa chủ yếu vào chất lượng thông tin, uy tín nghề nghiệp để có bạn đọc. Lượng độc giả càng cao tương ứng với cơ hội doanh thu từ quảng cáo càng lớn. Nghĩa là, hoạt động kinh tế của báo chí có hiệu quả.
Song, do dịch bệnh, nhiều đơn vị kinh tế cả nhà nước và tư nhân gặp khó khăn nên việc hỗ trợ, chia sẻ hợp tác báo chí càng khó hơn. Trong hoàn cảnh ấy, báo chí phải năng động hơn, sáng tạo hơn tìm nguồn lực vật chất theo cách của mình, lấy “thượng tôn pháp luật” (trong đó có Luật Báo chí) làm nguyên tắc chi phối hoạt động truyền thông.
Khỏi phải nhắc lại sức mạnh của truyền thông, báo chí đối với đời sống xã hội, nhất là, trong bối cảnh mạng xã hội cùng với công nghệ thông tin phát triển mau lẹ góp phần thúc đẩy báo chí điện tử “lên ngôi”. Không phải ai cũng dễ dàng “nhận diện” được đâu là báo, tạp chí, trang tin điện tử, trang web, trang thông tin điện tử tổng hợp của doanh nghiệp truyền thông tư nhân và nhà nước; kênh thông tin chính thống và không chính thống.
Có thể, vì thế, không ít bạn đọc bị đánh lừa tiền mất tật mang bởi những vụ lừa đảo tinh vi trong đời sống thông tin mỗi ngày. Mạng xã hội không chỉ là chia sẻ thông tin, mà còn là mảnh đất màu mỡ để ai đó làm ăn, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.
Nhiều đối tượng, không chỉ nhà báo, phóng viên là người cung cấp thông tin đến xã hội mà nhiều thành phần, đối tượng tham gia đời sống truyền thông. Tin thật, giả lẫn lộn không còn là chuyện cá biệt nữa.
Trong không ít vụ việc, vấn đề cụ thể, bạn đọc rất cần thông tin chính xác, tin cậy, kịp thời có tác dụng định hướng nhận thức và hành động. Điều đó đặt ra nhiệm vụ ngày một nặng nề hơn cho người làm báo. Phải chủ động đi trước để có tin nhanh, chính xác, hiệu quả.
Vậy nên, chưa bao giờ thôi đòi hỏi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tư duy khoa học, năng động, cách tiếp cận vấn đề luôn sáng tạo, năng lực tác nghiệp ngày càng chuyên nghiệp ở nhà báo, phóng viên. Cạnh tranh thông tin đa nghĩa: tốc độ, dung lượng, tin cậy, nhân văn… đòi hỏi ngày càng cao hơn khả năng tác nghiệp.
Kinh tế tư nhân hay nhà nước, cùng một ngành nghề số lượng doanh nghiệp cùng kinh doanh càng cao tính cạnh tranh càng lớn. Số lượng ấn phẩm báo chí càng lớn, khả năng trùng lắp thông tin càng cao, kinh tế báo chí càng khó khăn. Tính kịp thời, chất lượng thông tin, độ tin cậy sẽ quyết định uy tín, thương hiệu của cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí…
Thời gian qua, quy hoạch báo chí đã góp phần làm lành mạnh hóa mối quan hệ báo chí với các tổ chức, cơ quan đơn vị, nhất là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; hệ thống truyền thông được tổ chức lại hợp lý hơn, thuận hơn cho quản lý, tiết kiệm nguồn lực vật chất; thông tin đạt hiệu quả cao hơn.
Một số sai phạm trong quá trình tác nghiệp của báo chí thời gian qua thường nằm ở khối cộng tác viên, phóng viên (chưa có Thẻ Nhà báo) đang làm hợp đồng có tính thời vụ cho báo, tạp chí trung ương đóng tại địa phương. Do quản lý còn lỏng lẻo nên dễ mắc sai phạm. Cho dù việc này chưa đến mức phổ biến nhưng đã ảnh hưởng nhất định đến uy tín, niềm tin của xã hội với người làm báo.
Do đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí, Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, các cơ quan quản lý cũng nên nghiêm khắc hơn khi xử lý các “con sâu” này. Theo đó cũng linh hoạt, công bằng trong ứng xử với các loại hình báo chí, giúp báo chí tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai sau quy hoạch; tăng cường giám sát kiểm tra nội dung, quy trình xuất bản tin, bài trong các ấn phẩm truyền thông thuộc doanh nghiệp tư nhân; kiểm soát và xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm khắc thông tin xấu, độc, thất thiệt trên mạng xã hội.
Làm chủ thông tin, đi trước trong những thông tin về vụ việc quan trọng, phức tạp nhạy cảm cần định hướng đòi hỏi các cơ quan báo chí, người làm báo phải dấn thân, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận thiệt thòi ngoài ý muốn. Để có những tác phẩm báo chí lay động, thuyết phục, sức mạnh từ nhiều góc độ: tính chiến đấu, tính phản biện; tính xây dựng nhằm đánh đổ cái xấu, cái ác… bồi đắp nhân cách, khơi gợi lòng nhân ái, huy động tiềm lực xã hội, bảo vệ lẽ phải, công bằng… cần lắm những nhà báo chân chính, tinh thông nghiệp vụ, chịu đựng gian khổ, thậm chí hiểm nguy tính mạng.
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông toàn diện đời sống chính trị kinh tế- xã hội, báo chí đã dành nhiều tâm sức và trí tuệ cho cuộc chiến chống dịch bệnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu kép. Thông tin kịp thời, chính xác, hiệu quả về dịch bệnh; ghi nhận biểu dương kịp thời những việc làm tốt, hành động thiết thực, hiệu quả, phát hiện phê phán, đấu tranh không khoan nhượng với hành vi đi ngược lợi ích cộng đồng trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh; giữ vững định hướng tư tưởng ổn định an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội; đấu tranh với thông tin xấu độc, thất thiệt về dịch bệnh; huy động toàn xã hội, người dân trong và ngoài nước đoàn kết, đồng lòng với Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng để sớm đẩy lui dịch bệnh, phát triển kinh tế- xã hội. Trong cái khó ló cái hay, đẹp. Báo chí đang sống trong hoàn cảnh bình thường mới. Bằng năng lực, trí tuệ, bản lĩnh của mình, người làm báo đang dần thích nghi với trạng thái mới của đất nước, đồng hành cùng bạn đọc, xã hội để xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
96 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam trải qua chặng đường lịch sử rất vẻ vang với nhiều dấu mốc đáng nhớ, đáng tự hào và trân trọng. Mặc dù còn những khó khăn nhưng chưa bao giờ, người làm báo có được điều kiện học tập, làm việc, tác nghiệp thuận lợi như bây giờ. Ấy thế mà, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để có được những thông tin bằng lời, hình ảnh chân thực, sống động, tràn đầy cảm xúc, lan tỏa mạnh mẽ xã hội đâu hẳn dễ dàng?
Cũng như các nhân viên, cán bộ ngành y, lực lượng quân đội, công an, các thành phần khác trong hệ thống chính trị cả nước: mặt trận, phụ nữ, dân vận, người cao tuổi, tổ dân phố… đang ngày đêm lăn lộn, gồng mình nơi tuyến đầu chống dịch, nhà báo, phóng viên cũng phải dấn thân, hy sinh như họ để cùng nhân dân cả nước đẩy lui dịch bệnh. Mỗi phóng viên, nhà báo hãy xứng đáng là một chiến sĩ trên mặt trận thông tin, tuyên truyền trong cuộc chiến đầy cam go này. Đó cũng là hành động thiết thực để chào mừng ngày báo chí cách mạng Việt Nam, niềm tự hào không chỉ của riêng những người cầm bút!
VĂN HÙNG
Theo KTĐU