Sự kiện hot
13 năm trước

Kỳ vọng tiềm lực mới sau hợp nhất

Hôm nay (15/12), các nội dung quan trọng về việc hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB sẽ chính thức được thông qua tại Đại hội cổ đông. Nhà đầu tư kỳ vọng, sau hợp nhất, ngân hàng mới sẽ có tiềm lực thực sự.

Hôm nay (15/12), các nội dung quan trọng về việc hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB sẽ chính thức được thông qua tại Đại hội cổ đông. Nhà đầu tư kỳ vọng, sau hợp nhất, ngân hàng mới sẽ có tiềm lực thực sự.

Đến thời điểm này, những thông tin cơ bản về Đề án hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên đã nhận được những phản hồi nhiều chiều, từ giới chuyên môn và dư luận. Nhiều vấn đề được đề cập, như tên gọi của ngân hàng sau hợp nhất, các vấn đề về xử lý trách nhiệm, nghĩa vụ nợ của các ngân hàng trên thị trường…

Song nhà đầu tư quan tâm hơn cả đến sức mạnh thực sự của ngân hàng sau hợp nhất, khi nhìn vào các nhân tố sẽ tham gia vào quá trình tái cấu trúc này. Theo công bố, ngân hàng mới sẽ có tổng tài sản lên đến hơn 150.000 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ hơn 10.500 tỷ đồng, đó là những con số khá ấn tượng, tương đương với một ngân hàng hạng trung trên thị trường.

Quan trọng hơn, chất lượng nguồn vốn này có cơ hội được “lột xác” khi có sự tham gia toàn diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vốn được đánh giá cao ở kinh nghiệm quản trị và vận hành các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng. Đánh giá từ góc độ này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cũng bày tỏ tin tưởng, sự tham gia của BIDV sẽ đem lại những thành công cho thương vụ hợp nhất.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã từng chứng kiến một tình huống tương tự. Đó là khi Ngân hàng Vietcombank tham gia vào quá trình giải quyết khó khăn thanh khoản của một ngân hàng yếu hơn là Eximbank. Kinh nghiệm của đội ngũ từ Vietcombank đã hỗ trợ tích cực vào công tác quản trị, thu hồi nợ và đảm bảo thanh khoản của Eximbank, đưa ngân hàng này dần dần đi vào ổn định và phát triển.

“Kinh nghiệm và trình độ của đội ngũ cán bộ từ BIDV sẽ giúp ích cho ngân hàng mới trong việc thu hồi nợ, phục hồi thanh khoản trong một thời gian ngắn nhất. Khi đã ổn định, ngân hàng mới sẽ có cơ hội đón các nguồn vốn khác, kể cả vốn từ nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nghĩa nhận định.

Kỳ vọng của ông Nghĩa không phải là không có cơ sở. Ngay khi các thông tin ban đầu về hợp nhất 3 ngân hàng mới được loan báo, đã có những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thương vụ này và triển khai các hoạt động cụ thể.

Được biết, Tập đoàn Macquarie (Macquarie Group) của Australia đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 317 tỷ USD đã hoàn tất việc ký kết hợp tác chiến lược vào 3 ngân hàng hợp nhất này. Đây là tín hiệu về một nguồn vốn chất lượng sẵn sàng đổ vào ngân hàng sau hợp nhất.

TS. Lee George Lam, Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Dương của Macquarie Capital còn được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Ficombank, TinNghiaBank và SCB. Cụ thể, Macquarie Capital cũng như TS. Lee George Lam sẽ cố vấn cho 3 ngân hàng về việc triển khai, thực hiện các chiến lược kinh doanh mới của các ngân hàng này để tăng cường hoạt động và hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, Macquarie Capital  và ông Lee George Lam cũng sẽ cố vấn cho 3 ngân hàng trong việc tìm kiếm các cổ đông chiến lược, huy động vốn trong và ngoài nước, cũng như khả năng phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Không phải ngẫu nhiên mà một tổ chức tài chính quốc tế lớn lại quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đang gặp không ít khó khăn như hiện nay. Tuy quy mô nhỏ, nhưng 3 ngân hàng này cũng có những thế mạnh nhất định, các chỉ tiêu tài chính đều có mức tăng trưởng tốt so với năm trước.

Cùng với sự tham gia của các đối tác mạnh trong và ngoài nước, ngân hàng sau hợp nhất được kỳ vọng sẽ có tiềm lực thực sự để phát triển.

Huy Hào
Theo Bao Dau tu


Từ khóa: