Dantin - “Nói thật với các anh là bọn em làm mà có dám ăn đâu, chính tay mình làm ra mới thấy sợ”, đó là lời giải thích của các nhân viên nhà hàng với chúng tôi – thuộc loại “khách quen, chỗ thân tình” về một món khai vị mang tên “lạc chiên Hồng Kông”.
Dantin - “Nói thật với các anh là bọn em làm mà có dám ăn đâu, chính tay mình làm ra mới thấy sợ”, đó là lời giải thích của các nhân viên nhà hàng với chúng tôi – thuộc loại “khách quen, chỗ thân tình” về một món khai vị mang tên “lạc chiên Hồng Kông”.
Lạc chiên tẩm muối có xuất xứ từ Trung Quốc.
Người làm không dám ăn
Hiện nay, món khai vị phục vụ thực khách đang được sử dụng rất nhiều trong các nhà hàng, quán bia là món lạc mang tên “lạc chiên Hồng Kông”. Đây chính là món lạc do các nhà hàng tự làm nhưng theo cách giải thích của một số nhà hàng là “bắt chước cách làm của Hồng Kông” nên đặt tên như vậy để nghe cho… sang! Qua tìm hiểu được biết món lạc chiên này đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây, do một ông chủ nhà hàng ở Hà Nội đi du lịch ở Hồng Kông đã “học lén” được cách làm và đem về áp dụng cho nhà hàng của mình.
Nguyễn Văn T. (quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa), đầu bếp của nhà hàng N.S (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nhà hàng bọn em được xem là nơi khởi đầu cho món lạc chiên Hồng Kông đấy. Sau nhiều nhà hàng khác cũng bắt chước làm theo. Món lạc này được nhiều thực khách lựa chọn vì hợp với khẩu vị. Nhưng nói thật với các anh là bọn em làm mà có dám ăn đâu, chính tay mình làm ra mới thấy sợ”.
T. cũng không ngần ngại tiết lộ với chúng tôi “công thức bí mật” làm món lạc chiên này: “Khi mua lạc phải chọn lạc thật già, hạt to và đều thì khi làm mới không bị vỡ nát. Lạc mua về đem luộc, sau đó dùng tay chà xát cho bong hết vỏ. Lạc sau khi tróc vỏ và tách đôi đem sấy khô rồi chiên qua dầu sôi. Chiên khoảng 2 phút thì vớt ra rồi rắc bột muối vào…”.
Theo T., sở dĩ món lạc chiên là món “khoái khẩu” nhưng nhân viên của nhà hàng không dám ăn vì có sử dụng loại bột muối khi chiên lạc. “Loại bột muối này là muối hóa học, nhập từ TQ về, bày bán rất nhiều ở các cửa hàng tạp hóa. Ngay cả ông chủ cũng không dám ăn món này bao giờ”, T. nói.
Tẩm chất thường dùng làm… phân bón!
Theo lời giới thiệu của T., chúng tôi tìm đến một cửa hàng tạp hóa ở Định Công (Hoàng Mai, HN), nơi mà T. cho biết vẫn thường hay mua loại bột muối về để làm món lạc chiên.
Khi chúng tôi hỏi mua, bà H. (chủ cửa hàng) thoáng chút ngần ngừ. Đến khi chúng tôi bảo là do T. giới thiệu, bà H. mới thôi nghi ngờ, vào nhà lấy 2 gói bột muối đem ra rồi nhanh nhảu quảng cáo: “Bọn em làm lạc chiên à? Làm lạc chiên mà không có bột muối này là hỏng. Một cân lạc chiên em chỉ cần dùng hai thìa nhỏ bột muối này thôi, đảm bảo ngon”. Vừa nói, bà H. vừa đưa 2 gói bột muối cho chúng tôi, giá bán mỗi gói là 25.000 đồng. Bà H. còn cho biết: Không chỉ lạc chiên, khi làm món ngô cay người ta cũng sử dụng loại muối này.
Quan sát, thấy trên vỏ gói bột muối có ghi dòng chữ “Curing Salt” và nơi sản xuất từ Trung Quốc. Trọng lượng mỗi gói muối khoảng 250 gam. Khi đổ ra, loại muối này có màu trắng tinh và khá mịn, tuy nhiên khi đưa lên miệng nếm thử thì lại có vị mặn lẫn ngọt và khé nơi cổ họng.
Muốn tìm hiểu rõ hơn về loại muối này, PV Đời sống & Tiêu dùng đã đem mẫu đến Viện Hóa học Công nghiệp (VIIC) để tiến hành phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, loại bột muối này thực chất là muối hóa học có chứa thành phần urea (có chất nitrogen), thường dùng làm… phân bón vô cơ! Ngoài ra, loại muối này trên thị trường còn có tên gọi khác là ‘muối diêm’.
Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Thế Trinh, Phó Viện trưởng VIIC cho biết: “Thực chất của loại muối này là bột muối urea – thành phần chính trong phân bón vô cơ (cụ thể là phân đạm). Loại bột muối này được pha trộn lẫn với đường hóa học có tên gọi là sodium cyclamate để tạo ra vị ngọt và mặn. Cyclamate là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 lần đường sucrose (đường mía). Cả 2 loại muối urea và đường cylamate đều là những chất hóa học độc hại đối với sức khỏe con người và đã bị cấm sử dụng làm chất phụ gia. Ở Mỹ, họ cấm sử dụng các loại hóa chất này làm phụ gia từ những thập niên 60 của thế kỷ trước”.
“Đặc biệt, theo một số tài liệu khoa học tôi đã đọc thì trong một số nghiên cứu thử nghiệm mới đây của một số nhà khoa học Mỹ cho thấy: chất cyclamate khi vào cơ thể sẽ được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine, là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi… dị dạng bào thai trên nghiên cứu thực nghiệm ở động vật. Rõ ràng đây là những chất không tốt cho sức khỏe con người”, PGS.TS Phạm Thế Trinh khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế) cũng khẳng định: “Hiện tại, ở Việt Nam, muối urea và đường cylamate là hai loại hóa chất không nằm trong danh sách phụ gia được Cục ATTP cho phép sử dụng bởi đây là 2 loại hóa gây hại đối với sức khỏe con người”.
Hoàng Sơn – Quang Hào