Sự kiện hot
7 tháng trước

Lãi suất cho vay giảm liên tục nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Thủ tục rườm rà, lãi suất chưa thật sự hấp dẫn cùng với điều kiện thời gian xét duyệt dài là những lý do khiến doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vẫn không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay
Lãi suất cho vay giảm liên tục nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.

Thời gian qua, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

DNNVVV được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… nên việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn – tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa(DNNVV) rất khó vì thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Với một khoản vay ngắn hạn, thời gian xem xét phê duyệt 1-3 tháng, với khoản vay trung, dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng thậm chí lên tới 6 tháng hoặc hơn.

Bên cạnh đó, việc không đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng cũng là yếu tố dẫn tới doanh nghiệp không vay được vốn hoặc đã vay nhưng bị dừng giải ngân. Nếu không kịp cơ cấu thời hạn trả nợ, khoanh nợ, doanh nghiệp không được vay mới. Nhưng nếu doanh nghiệp dùng chính nguồn thu từ dự án để trả nợ trước hạn lại chịu lãi phạt từ 1 đến 5%.

Chính sách hỗ trợ không phù hợp với sự biến chuyển của doanh nghiệp vì cơ cấu nợ mà "nhảy" nhóm nợ cũng xem như doanh nghiệp dừng sử dụng vốn ngân hàng. Trong trường hợp đạt được cơ cấu nợ, ngân hàng thẩm tra nhiều lần và dài ngày, thêm vào đó doanh nghiệp bị tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Thời gian qua, nhu cầu và sức mua giảm nghiêm trọng, do đó, doanh nghiệp buộc cắt giảm chi phí, tăng khuyến mại… Lãi vay vẫn cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí, chỉ số tài chính suy giảm.

Về phía các khách hàng cá nhân, mặc dù nhiều ngân hàng “quảng cáo” là cho vay bù đắp, vay trả các khoản nợ cũ ở ngân hàng khác với lãi suất thấp, nhưng thực tế việc vay không đơn giản và lãi suất với khách hàng cá nhân hiện duy trì ở mức cao, trên 10,9%/năm. Chẳng hạn như khách hàng cá nhân đang vay một khoản mua nhà ở mức trên 10%/năm nếu muốn vay của ngân hàng khác để trả khoản vay cũ (thường được quảng cáo lãi suất khoảng 7,5-8%/năm cho 12-24 tháng), khách hàng sẽ phải trả lãi phạt trả trước 1,5-2%/năm. Như vậy, tổng lãi suất khách hàng phải trả vẫn trên 10%/năm, chưa kể thủ tục khá rườm rà.

Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, song trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân tiếp tục kiến nghị, ngân hàng nên giảm lãi suất trực tiếp 1-2%/năm từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới. Không chỉ kiến nghị giảm lãi suất, doanh nghiệp cũng đề xuất ngân hàng giảm phí, trong đó có phí phạt trả nợ trước hạn; áp dụng công nghệ vào quá trình phê duyệt để cắt giảm thủ tục và thời gian thẩm định.

Xây dựng thể chế mới, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp

Đại diện Ngân hàng Nhà Nước đánh giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, để giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, rà soát hồ sơ vay vốn, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Phía Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp về việc đã trả nợ trước hạn còn phải trả phí, bởi, ngân hàng huy động vốn của người dân và phải trả lãi cho người dân. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, ngân hàng sẽ linh hoạt nguồn tiền, miễn - giảm lãi để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Còn theo Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng, từ nay đến cuối năm 2023, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay. Vietcombank dự kiến sẽ giảm 1.850 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu. Tuy nhiên, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng vì lo nợ xấu sẽ phát sinh khiến chi phí vốn của ngân hàng có thể tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trong tương lai.

Về vấn đề giải ngân vốn cho doanh nghiệp còn chậm, đại diện các ngân hàng cũng khẳng định sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: