Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% doanh số giao dịch) trong phiên 25/12 đã tăng vọt lên 0,74%/năm từ mức 0,25%/năm ghi nhận vào cuối tuần trước.
Theo đó, đóng cửa ngày 25/12, lãi suất VND các kỳ hạn dưới 1 tháng lần lượt là: 1 tuần 1,76% (+1,2% so với cuối tuần trước); 2 tuần 1,74% (+0,57%); 1 tháng là 1,57% (+0,1%). Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm đã tăng 0,6 điểm % so với cuối tháng 11, kỳ hạn 1-2 tuần tăng khoảng 1,24 – 1,4 điểm %.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng trong những phiên gần đây khi thời điểm chốt quý 4 sắp tới gần. Trước đó, lãi suất qua đêm đã có hơn 1 tháng duy trì ở vùng thấp - dưới 0,2%/năm sau khi NHNN dừng phát hành tín phiếu mới và các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn hết.
Dù bật tăng mạnh tại các kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất liên ngân hàng lại giảm ở kỳ hạn 3 tháng lại giảm 0,46 điểm % so với cuối tháng 11. Điều này cho thấy, biến động tăng của lãi suất liên ngân hàng phần nhiều mang tính ngắn hạn.
Trong báo cáo tiền tệ tháng 11, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng từng chỉ ra rằng nhìn vào diễn biến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng có thể thấy rằng nhu cầu vay yếu sẽ duy trì sau Tết Nguyên đán năm 2024.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vọt tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ghi nhận kết quả bứt phá vào những tuần cuối cùng của năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,09%.
Kết quả này thấp hơn tương đối so với mức tăng trưởng 12,87% ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện rõ rệt chỉ trong vài tháng cuối năm.
Trong tháng 12/2023, Vietcombank đã có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,2 điểm % đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và 0,7 điểm % đối với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,2%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng còn 3,2%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng ở mức 4,8%/năm.
Tương tự, các ngân hàng quốc doanh khác cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất khá mạnh trong tháng 12, mức giảm lãi suất bình quân trong tháng là 0,5 điểm % đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,3 điểm % đối với các kỳ hạn dài.
Trong khi đó, mức giảm lãi suất bình quân ở khối NHTMCP tư nhân thấp hơn, bình quân khoảng 0,2 điểm %, tập trung ở kỳ hạn dưới 12 tháng.
Tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5-3,0 điểm % so với đầu năm. So với giai đoạn Covid-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5 điểm %, nhưng lại tương đồng ở kỳ hạn 6-9 tháng.
Việc thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất huy động giảm sâu bên cạnh chính sách điều hành của NHNN cũng xuất phát từ nguyên nhân cầu tín dụng thấp. Tính đến cuối tháng 11/2023, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 9,15% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 13,8% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu 14% mà NHNN đặt ra cho cả năm.
Tiến Hoàng/KTDU