Từng được coi là "ngôi sao sáng" trong lĩnh vực nông sản Việt Nam, nhưng vài năm trở lại đây, những thông tin về Tập đoàn Quang Minh không tích cực, mà gắn liền với những khoản nợ "khủng".
Ảnh minh họa
Thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Minh (viết tắt là QMC) nợ thuế bắt đầu xuất hiện trên thị trường gần 3 năm trước. Trong danh sách các doanh nghiệp, dự án nợ thuế do Cục Thuế TP.Hà Nội công khai vào đầu tháng 7/2015, QMC đứng đầu với tổng số nợ thuế hơn 63 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/10/2016, con số này tăng lên gần 80 tỷ đồng. Cũng từ thời điểm năm 2016, website của QMC đã ngừng hoạt động. Cho đến nay, mọi thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của QMC không được cập nhật.
Ngoài tin tức nợ thuế, mới đây, QMC tiếp tục vướng “đáo tụng đình” với trát đòi nợ của Ngân hàng TNHH MTV Standard Chatered Việt Nam và Standard Chatered Bank (ngân hàng mẹ của Standard Chatered Việt Nam) với tổng số tiền hơn 120 tỷ đồng.
Những năm trước đây, QMC vốn là cái tên không quá xa lạ trong lĩnh vực nông sản Việt Nam. Thời điểm mới thành lập, QMC (tiền thân là Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ) gây ấn tượng với vốn điều lệ 989 tỷ đồng đăng ký tại Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội. Mảng kinh doanh chính của QMC là sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, QMC còn tham gia sản xuất dầu ăn với nhiều nhãn hàng như dầu ăn Mr Bean, dầu ăn OilLa, dầu ăn Soon Soon…
Bước ngoặt của QMC là vào năm 2010, khi Công ty xây dựng thành công nhà máy ép dầu đầu tiên tại Việt Nam. Cùng năm đó, QMC được xếp ở vị trí 297 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500). Năm 2011, QMC khẳng định thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm nông sản, dầu ăn tinh luyện và được nhận giải thưởng “Sao vàng đất Việt”. Năm 2012, QMC tiếp tục được nâng hạng, đứng ở vị trí 112 của VNR500 và đứng thứ 32 Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Những thành tích mà QMC đạt được như là "điều kiện vàng" để nhiều ngân hàng yên tâm cấp vốn cho doanh nghiệp này. Theo tìm hiểu của PV, trong năm 2014, chỉ tính riêng Công ty cổ phần Dầu thực vật Quang Minh (thuộc QMC) đã ký kết hợp đồng với các tổ chức có giá trị lên tới 4.000 tỷ đồng. Nhưng kể từ năm 2015, thông tin QMC nợ thuế bắt đầu xuất hiện dày đặc.
Đại diện QMC cũng cho biết, từ năm 2015, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty lâm vào tình cảnh khó khăn. Trước khoản nợ lớn ngân hàng, QMC chưa có khả năng thanh toán và chấp nhận việc ngân hàng khởi kiện ra tòa án.
Theo đơn khởi kiện, năm 2013, Stand Chatered Bank ký thư cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho QMC vay tiền, tổng hạn mức tối đa là 20 triệu USD. Ngân hàng Stand Chatered Việt Nam đã giải ngân thông qua các khế ước số tiền hơn 65 tỷ đồng, lãi suất 7,6%/năm. Năm 2015, QMC xin gia hạn hợp đồng, lãi suất được điều chỉnh lên 8,3%/năm. Trong năm này, Stand Chatered Bank giải ngân 5,1 triệu USD cho QMC. Đối với khoản vay này, QMC đã thanh toán được hơn 4 triệu USD; hiện còn nợ hơn 1,3 triệu USD (tương đương 33 tỷ đồng). Đối với khoản vay của Stand Chatered Việt Nam, QMC trả nhỏ giọt.
Tính tổng nợ gốc và lãi của các khoản vay trên là hơn 120 tỷ đồng (tại Stand Chatered Việt Nam là 89 tỷ đồng và Stand Chatered Bank là hơn 40 tỷ đồng). Đại diện QMC không có ý kiến phản bác khoản nợ gốc và lãi này. Do các bên có thỏa thuận rõ ràng và tự nguyện về lãi suất, nên ngày 13/3/2018, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã chấp nhận những nội dung khởi kiện của phía ngân hàng.
Đáng chú ý, dù khoản nợ là không nhỏ, nhưng phía ngân hàng không đề nghị xem xét xử lý về tài sản bảo đảm. Được biết, QMC đã thế chấp, cầm cố các tài sản là hàng hóa hình thành từ vốn vay, các khoản thu phát sinh từ khoản vay, số dư tài khoản tiền gửi của QMC mở tại Stand Chatered Việt Nam …
Theo Báo Đầu tư chứng khoán