Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%. Khoảng 125 trung tâm thương mại (TTTM), trong đó TTTM của tập đoàn nước ngoài chiếm 25%. Như vậy, tương quan lực lượng giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài tương đối cao. Tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn. “Tôi hy vọng từ nay đến năm 2015, với sự cố gắng của DN trong nước, đặc biệt là DN trong lĩnh vực bán lẻ và các cơ quan chức năng có chính sách tích cực hơn để hỗ trợ các nhà bán lẻ Việt Nam có thể cạnh tranh, đồng hành cùng các tập đoàn nước ngoài”, ông Năm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị thu hẹp dần do các nhà bán lẻ nước ngoài lấn sân; nếu không có các chính sách hữu hiệu, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ bị thu hẹp là điều không thể tránh.
“Theo chúng tôi, thị phần của DN nội đang rất mở rộng và có nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay DN bán lẻ nước ngoài”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định.
Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái nhận định: Việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết của WTO là không thể “cưỡng” lại. Bảo hộ DN trong nước là quá khứ, việc mở cửa chỉ còn thời gian ngắn. Chúng tôi cho rằng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN nâng tầm quản lý, học hỏi công nghệ, kinh nghiệm. Hiện, doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20 - 30 lần so với DN Việt. Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi thì sẽ rất khó khăn.
Những năm qua, chúng ta đã từng bước mở cửa thị trường bán lẻ, thực chất đã mở cửa nhưng chưa hoàn toàn. Vì vậy, DN trong nước đã được cọ xát. Tới đây, khi mở cửa hoàn toàn, DN trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với DN lớn của nước ngoài có nhiều vốn và kinh nghiệm.
Đánh giá về Chương trình Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt của các DN bán lẻ trong nước trong thời gian vừa qua, ông Năm cho biết, các DN bán lẻ trong nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tiêu thụ hàng Việt thông qua hội chợ chuyên về hàng Việt. Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với nguồn vốn của Cục Xúc tiến thương mại, mỗi năm trên 100 tỷ đồng, phối hợp với các Sở Công thương địa phương triển khai một số dự án để hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn…
“Năm 2015, chúng tôi sẽ xây dựng thí điểm 63 điểm bán hàng mang thương hiệu Việt, ưu tiên hàng bán trong chợ truyền thống để nâng cao vai trò hàng Việt trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục xây dựng thí điểm 100 cửa hàng nữa mang thương hiệu hàng Việt”, ông Năm nói.
Các chuyên gia khuyến cáo: Thời gian từ nay đến năm 2015 là không còn nhiều, để giữ được thị phần bán lẻ trên sân nhà, tránh việc “nước đến chân mới nhảy”, các DN bán lẻ trong nước cần chuẩn bị tích cực cho việc nâng cao nguồn lực trên mọi phương diện như: vốn, nhân lực, chương trình phát triển… để khi cơ chế mở ra, các DN sẵn sàng cạnh tranh, hợp tác với DN nước ngoài.
Trần Quý
theo Thanh tra