Mặc dù bán đảo Thanh Đa ở sát nách trung tâm TP.HCM nhưng đời sống của hầu hết người dân nơi đây chủ yếu là trồng cây nông nghiệp ngắn ngày hay chăn nuôi, họ ở trong những căn nhà lụp sụp, xiêu vẹo.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Sau 26 năm sự hy vọng mỗi lúc một héo tàn theo năm tháng, dự án treo, treo luôn cả cuộc sống của người dân. Lối vào bán đảo duy nhất chỉ có băng qua cầu Kinh Thanh Đa, ngoài ra còn có bến phà nhỏ Bình Quới nhưng lưu lượng tham gia không đáng kể.
Năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định cũ. Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong tương lai bán đảo Thanh Đa - Bình Quới sẽ là khu đô thị sinh thái hiện đại đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 đến 50.000 người. Thế nhưng hiện tại phần lớn bán đảo Thanh Đa vẫn là một vùng “treo toàn diện”, môi trường sống nhếch nhác.
Sau hơn 26 năm phê duyệt, bán đảo này vẫn là một vùng đầm lầy đúng nghĩa trong khi bên kia bờ sông là biệt thự của khu “nhà giàu” Thảo Điền hay các toà cao ốc mà cư dân ở đây vẫn thấy hàng ngày.
Vì dự án bị treo trong thời gian quá dài nên nơi này hiện tại vẫn như một ốc đảo hoang vu, hầu như các con đường ở đây nhỏ, rộng khoảng 1m rãi đá dăm đi sâu hun hút, chỉ xe máy mới đi được.
Nhiều ngôi nhà xập xệ, cũ nát nằm sâu trong bán đảo nhưng không được sửa chữa, nâng cấp, nên đành để vậy vì đây là đất nằm trong diện quy hoạch.
Một số người dân tận dụng phần đất của mình nuôi gà, vịt lấy thêm thu nhập tạm thời.
Ông Phương kể, do đất của ông là vùng đất thấp nên cỏ mọc um tùm, để tận dụng phần cỏ này nhà ông còn nuôi bò kiếm thêm thu nhập ông. Nhiều khu trống bỏ hoang nên cỏ mọc um tùm nên nhiều hộ gia đình tận dụng đợi cỏ mọc cao thì cắt mang về cho bò ăn.
Để tạo thêm công việc, ông Phương còn trồng dừa trên phần đất của mình. Theo ông Phương, người ta trồng dừa trồng hơn 3 năm là cho ra trái nhưng do đất phèn với bị ngập suốt nên đến nay nhà ông trồng đã 2 năm mà cây chưa cao qua khỏi đầu người không biết tới khi nào dừa ông mới có quả.
Nhiều diện tích đất khổng lồ chủ yếu bỏ hoang hoặc một số người dân đào ao nuôi cá thành phẩm. Một số gia đình khác thì sử dụng lợi thế ao hồ để làm nơi câu cá giải trí hay các quán nhậu tại chỗ.
Phần đất ven sông được tận dụng đất để trồng lúa, sen hoặc dừa. Tuy nhiên, năng suất mang lại từ trồng lúa không cao vì bị chuột và sâu bọ phá hoại. Vì thế, diện tích trồng lúa ở khu này ngày càng bị thu hẹp.
Ông Minh (60 tuổi, ngụ KP3, Phường 28, Quận Bình Thạnh) cho biết, lúc trước ở đây nhiều người trồng lúa lắm nhưng giờ chỉ còn mấy người trồng. Đa phần, họ dùng một phần chuyển qua trồng sen để kiếm thêm thu nhập. Gia đình ông Phương là hộ hiếm hoi còn trồng lúa, nhưng nhà có 4 xào ruộng mà mỗi xào chỉ có mấy dạ, trồng ít mà còn bị chuột phá nên không đủ ăn.
Bà Lan (60 tuổi, ngụ tại KP3, phường 28m, Quận Bình Thạnh) cho hay, lúc trước nhà trồng lúa nhưng không sinh lãi nên gia đình chuyển sang trồng mai. Được mấy năm đầu chứ sau khó bán, gia đình chặt làm củi rồi chuyển sang trồng rau má xen canh với cây mảng cầu.
Mỗi ngày bà Lan và con cắt được 3kg, đem ra chợ bán có mấy chục nghìn. Đất ở đây phèn và mặn nên trồng rau rất khó khăn, phải dành 2 tiếng để tưới rau nếu không nó bị cháy và chết. Còn cây mảng cầu trồng cũng chậm lớn đến nay đã hơn 1 năm mà chỉ cao tầm 1m, không biết tới khi nào mới cho trái thu hoạch.
Anh Hào – Phan Vượng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng