Đó là thông tin được ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra khi nói về những vấn đề tiếp cận đất đai cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tiếp cận đất đai... rất khó khăn
Ông Đào Trung Chính cho biết, một trong những vấn đề hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện các vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đó là tạo mặt bằng đất đai cho các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất để phát triển.
Theo ông Chính, trong giai đoạn vừa qua hệ thống chính sách phát triển đất đai về nguyên tắc là không có sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân và kinh tế của khối doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, không có điều khoản nào quy định rằng doanh nghiệp Nhà nước thì được ưu đãi và doanh nghiệp tư nhân thì không được ưu đãi gì trong cách tiếp cận về đất đai.
Luật Đất đai cũng quy định, về vấn đề quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, chúng ta đã tạo mọi mặt bằng thực hiện theo quy hoạch để phát triển sản xuất và đặc biệt chúng ta hình thành lên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để chúng ta hướng dẫn các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sản xuất và bảo vệ môi trường.
Về vấn đề giao đất, cho thuê đất chủ yếu thực hiện quyền đấu giá sử dụng đất, trong đó kể cả các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân đều được tham gia một cách bình đẳng.
Chúng ta cũng có cách sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước thông qua việc cổ phần hóa vì khối các doanh nghiệp Nhà nước này cũng nắm giữ một phần diện tích rất lớn, trong đó có nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động chưa có hiệu quả nên chúng ta cần sắp xếp lại những đơn vị này nhằm tạo ra mặt bằng cho các doanh nghiệp tư nhân cùng sử dụng. Hoặc, tại các nông lâm trường chúng ta cũng đã sắp xếp lại các nông lâm trường giúp tìm ra các quỹ đất dôi dư để dành cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình cùng phát triển sản xuất.
"Về quyền và nghĩa vụ giữa các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân là như nhau, nếu như thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai thì các doanh nghiệp tư nhân đều có quyền giống như các doanh nghiệp Nhà nước" - ông Chính khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Chính, về mặt quy định của pháp luật là như vậy, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp nói chung trong đó có các doanh nghiệp tư nhân khi tiếp cận các vấn đề về đất đai vẫn còn hết sức khó khăn như thủ tục hành chính (chúng ta vừa có thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng ta lại vừa có thủ tục phê duyệt dự án đầu tư), trong khi đó chúng ta lại có thủ tục về đất đai trong việc xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc khi ở trong danh mục các dự án được Nhà nước thu hồi đất thì hàng năm phải vào kế hoạch thu hồi đất được HĐND thông qua, được UBND tỉnh xét duyệt, sau đó là các vấn đề phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500… Ngoài ra chưa kể các vấn đề về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo ông Chính, tại các địa phương cần có sự chủ động trong việc tạo lập mặt bằng sạch để cho các doanh nghiệp có mặt bằng. “Tôi cho rằng đó là phương án tối ưu nhất”, ông Chính nói.
Để người dân cùng tham gia với doanh nghiệp
Cũng theo ông Chính, xoay quanh vấn đề giải phóng mặt bằng thì việc thu hồi đất bồi thường cho người dân đang gặp rất nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết, người dân thì cho rằng Nhà nước thu hồi đất và bồi thường chưa được sòng phẳng. "Cũng là kinh doanh, tại sao Nhà nước lại thu hồi đất của người dân để trao cho các doanh nghiệp thuê, điều đó gây những bất lợi về phía người dân? Đây cũng là vấn đề mà những người làm chính sách như tôi cần hết sức phải suy nghĩ”, ông Chính trăn trở.
Như vậy, để giải quyết vấn đề cốt lõi này theo ông Chính việc tạo ra cơ chế để người dân cùng tham gia với doanh nghiệp trong việc khai thác quỹ đất sẽ tốt hơn việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn hoặc việc người dân cho doanh nghiệp thuê đất để giải phóng mặt bằng.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận đất đai đang là rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân tại nhiều địa phương hiện nay. Ông Chính cho biết, theo chương trình của Chính phủ và Quốc hội thì cơ quan quảnq lý đang chuẩn bị sửa Luật Đất đai. Về phía Tổng Cục quản lý Đất đai sẽ có những đóng góp, tiếp tục cải thiện hơn nữa để hoàn thiện Luật này.
“Theo cá nhân tôi, một yếu tố hết sức quan trọng đó là vai trò của UBND cấp tỉnh, nếu các tỉnh phối hợp tốt giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, xây dựng… thì sẽ cải cách các thủ tục hành chính tốt hơn rất nhiều”, ông Chính nói.
Ông Chính ví dụ: Bên Tổng Cục quản lý Đất đai đang làm liên thông thuế với Tổng Cục thuế tại 8 tỉnh, tuy nhiên đến nay đã phát hiện một câu chuyện đó là bên Tài nguyên Môi trường gửi số liệu đất đai sang bên Thuế để tính việc thu tiền thuế đất, nhưng bên cơ quan thuế không tin số liệu do Tài Nguyên Môi trường cung cấp, do đó cơ quan Thuế lại trực tiếp đo đạc và kiểm tra lại từ đầu. Do đó, từ câu chuyện này tôi cho rằng cần thể hiện vai trò trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn, khi anh đã làm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tương tự, ông Chính cho biết thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay còn rất lê thê. Nguyên nhân bởi Cơ quan Tài Nguyên môi trường còn đang ôm cả phần thủ tục của cơ quan thuế vào phần của mình – trong khi việc nộp thuế là nghĩa vụ tài chính thì thuộc về trách nhiệm của người dân.
"Chúng ta hãy so sánh thủ tục cấp sổ đỏ với việc đăng ký một chiếc ô tô, nếu như muốn đăng ký xe thì chủ xe phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ tại cơ quan công an, thủ tục được tính từ lúc này" - ông Chính ví von.
HỒNG HƯƠNG
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp