Tuyến đường trọng điểm từ xã Cán Cấu đi Lù Dì Sán (xã Sán Chải, đều thuộc huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cao) được làm từ nguồn vốn ODA, tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp A – Giao thông nông thôn (cấp tốt nhất). Tuy nhiên, chỉ bằng một lực tay vừa phải, là có thể gẩy nhẹ mặt đường lên, lớp móng cấp phối đá dăm theo tiêu chuẩn làm đường thông thường không có mà chỉ là đất và bùn.
“Đường vừa làm đã hỏng, đi lại khó khăn lắm các anh ạ!”
Tuyến đường Cán Cấu – Lù Dì Sán thuộc huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) là một trong những tuyến đường thuộc dự án cơ sở hạ tầng nông thôn và du lịch tỉnh Lào Cao sử dụng nguồn vốn ODA do cơ quan phát triển Pháp tài trợ. Với chiều dài hơn 10km, đây là một trong những tuyến huyết mạch vùng biên, giáp với tỉnh Hà Giang và giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Theo “quảng cáo” của Ban quản lý Dự án nguồn vốn ODA tỉnh Lào Cai (Ban ODA Lào Cai), đơn vị được giao là chủ đầu tư của tuyến đường này, trong quá trình tổ chức, thiết kế, Ban ODA Lào Cai đã tổ chức thăm sát hiện trường luôn đạt tiêu chí thiết kế công trình đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, hiệu quả đầu tư và đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông.
Lớp láng nhựa và xi măng chỉ sau vài trận mưa là… trôi hết
Nhưng trái với lời “quảng cáo” đầy hoa mỹ của Chủ đầu tư về trách nhiệm quản lý và tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, phản ánh tới đường dây nóng báo NB&CL, bạn đọc từ tỉnh Lào Cai đã thốt lên: “Đường vừa làm đã hỏng, đểu lắm các anh ạ”.
Ngay lập tức, một nhóm PV báo NB&CL đã lên đường xuyên đêm, để sáng sớm hôm sau có mặt mục sở thị cận cảnh toàn bộ tuyến đường trải dài hơn 10km từ xã Cán Cấu đi Lù Dì Sán (xã Sán Chải), huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).
Mặc dù con đường mới được bàn giao và đưa vào sử dụng chỉ hơn một năm (từ ngày 20/3/2015) và cũng chỉ hết thời hạn bảo trì được vài tháng, nhưng những gì bạn đọc phản ánh “đường vừa làm đã hỏng, đểu lắm các anh ạ!”, theo ghi nhận của nhóm PV là hoàn toàn đúng với thực tế.
Điều dễ dàng nhận thấy nhất là mặt đường cả chỗ láng nhựa và bê tông, càng đi sâu vào trong khu vực biên giới, lớp đường và xi măng phủ trên mặt đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật là một lớp láng mỏng, thậm chí có chỗ còn không có nhựa, xi măng, lồi lõm không đồng đều, chỉ có lớp đá dải bên dưới chơ vơ lởm chởm, thể hiện kỹ thuật lu lèn ẩu, làm theo kiểu cho có.
Dùng chiếc que nhỏ là có thể cậy được mặt đường lên. Lớp thảm lót bên dưới chỉ là đá hỗn hợp, trộn lẫn đất và bùn
Khảo sát trên toàn tuyến đường, nhóm PV nhận thấy cứ đi được một đoạn là lại thấy xuất hiện ổ gà, có những chỗ ổ gà to bằng cả cái chiếu, chia cắt con đường ra làm hai mảnh nhìn rất phản cảm, gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khoảng cách từ mép cống đến mép đường chạy dọc đa phần lô nhô đất đá, nhiều chỗ khoảng cách này lên tới chiều ngang cả mét, nếu chẳng may điều khiển phương tiện đánh lái đi vào những chỗ này, sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hệ thống rãnh dọc thoát nước và cống thoát nước nhiều đoạn gần như tê liệt do đất đá sạt lở vì không có ta- luy.
Trong quá trình khảo sát thực tế trên toàn tuyến đường này, gặp gỡ bà con dân tộc sinh sống tại đây, thông tin mà nhóm PV thu thập được đều có một mẫu số chung: “Đường mới nhưng suốt ngày thấy cán bộ đến sửa chữa”.
“Rút ruột” công trình để trục lợi ?
Được biết, đơn vị thi công tuyến đường này là Cty TNHH Đông Hải, có trụ sở tại Lào Cai. Cty CP Tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông I – Yên Bái là đơn vị tổ chức tư vấn, giám sát. Giá trị công trình sau khi đã được cơ quan chuyên ngành thẩm định quyết toán là 45.641.346.432 đồng (Bốn mưới lăm tỷ, sáu trăm bốn mươi mốt triệu, ba trăm bốn mươi sáu nghìn, bốn trăm ba mươi hai đồng). Hiện, công trình đã được Chủ đầu tư thanh toán tới 95% cho đơn vị thi công.
Đi cùng nhóm PV lên Cán Cấu – Lù Dì Sán, một kỹ sư giao thông sau khi chứng kiến, khảo sát và ghi nhận toàn bộ chất lượng về tuyến đường này đã phải thốt lên: “Công trình này không “rút ruột” mới là lạ!”.
Theo đánh của vị kỹ sư giao thông này, mặt đường bị hư hỏng nặng là do nhà thầu làm không đúng thiết kế, có dấu hiệu “ăn bớt” vật liệu. Thực tế quan sắt bằng mắt thường tại những vị trí bong tróc mặt đường ta thấy toàn đá hộc, có những viên to như mũ bảo hiểm, xen kẽ là các viên đá không đồng đều nhau, trộn lẫn bùn và đất. Do vậy chỉ cần vài trận mưa là nền đường, mặt đường sẽ hư hỏng.
Nhiều đoạn ổ gà to bằng cả cái chiếu, chia cắt mặt đường ra làm đôi, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Để chứng minh cho việc công trình này có dấu hiệu bị “ăn bớt khủng” hay không, vị kỹ sư giao thông đã dùng ngọn tay khều nhẽ mặt đường, lớp thảm bên dưới mặt đường theo thiết kế không thấy đâu, đổi lại là bùn, toàn bùn. Chưa tin vào mắt mình, anh này tiếp tục dùng một chiếc que nhỏ có được kính khoảng 3cm chọc xuống mặt đường, dưới lớp mặt đường vẫn chỉ là… đá tạp, trộn lẫn đất và bùn.
Trong khi, theo thiết kế của công trình này, lớp móng đá trên đá dăm tiêu chuẩn dày 12cm, lớp móng đá dưới đá dăm tiêu chuẩn dày 14cm; tại các đoạn dốc dọc trên hoặc bằng 12% hoặc các đoạn có nền yếu thiết kế mặt đường BTXM mác 200# có tạo nhám, chiều dày 18cm trên lớp đá dăm tiêu chuẩn, chiều dày 15cm có đệm cát dày 3cm và lót giấy dầu. Nhưng tại các vị trí nhóm PV khảo sát, các thông số kỹ thuật trên có lẽ chỉ nằm trên bản vẽ, còn thực tế chỉ có… đất và bùn.
Có hay không hành vi “rút ruột” để trục lợi của nhà thầu trong khi thi công tuyến đường Cán Cấu – Lù Dì Sán, khiến chất lượng công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị… hư hỏng nghiêm trọng? Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vấn đề trên.
theo Công luận