Trước tình trạng các loại phí truy thu phương tiện cá nhân lên cao, rất nhiều người dân Việt "trăn trở" nghĩ tới việc bán xe.
Trước tình trạng các loại phí truy thu phương tiện cá nhân lên cao, rất nhiều người dân Việt "trăn trở" nghĩ tới việc bán xe.
Than trời vì phí
Trong lúc kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát ở mức cao, thì thông tin về việc tăng phí và “đẻ” thêm các loại phí cho phương tiện tham gia giao thông đã khiến nhiều người dân “hoang mang” và nghĩ tới việc bán xe. Phí Hạn chế phương tiện cá nhân, phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm và phí bảo trì đường bộ theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ được áp thu trong thời gian tới.
Nhiều người dân Việt "trăn trở" nghĩ tới việc bán xe.
Từ ngày 1/6 tới, khi việc thu phí bảo trì đường bộ được thực hiện, người mua xe sẽ phải chịu tổng cộng 3 loại thuế và 7 loại phí, bao gồm: phí trước bạ, phí biển số, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn, phí bảo trì đường bộ. Đó là chưa kể 2 loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí vào nội đô giờ cao điểm (áp dụng tại Hà Nội và Tp.HCM) mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ. Mức phí theo đề xuất là khá cao: từ 20 - 50 triệu đồng/xe ôtô/năm; từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng/xe máy/năm.
Nếu Chính phủ thông qua đề xuất về những loại phí mới trên thì một người đi ôtô con phải trả cố định vài chục triệu đồng mỗi năm, bên cạnh chi phí xăng xe, bến bãi đang có xu hướng tăng. Đáng lưu ý, trong kế hoạch thu phí lưu hành phương tiện, Bộ GTVT còn đề xuất tăng giá hàng năm thêm 5%, gọi là bù đắp trượt giá.
Có lẽ, chưa bao giờ người dân Việt lại phải đứng trước nhiều khó khăn chồng chất như vậy. Bão giá vẫn còn âm ĩ và càng ngày càng lớn mạnh, xăng dầu thì như chú ngựa không cương càng ngày càng tăng tốc...lại thêm cái "ách" phí dồn dập như hiện nay người dân chỉ còn biết "than trời".
Xe lao đao vì phí
Chị Phạm Ánh Thư (Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc nói: " Làm việc tiết kiệm mấy năm 2 vợ chồng mới có thể sắm được một con Toyota để phục vụ đi lại cho việc đi lại rồi về quê...Cứ phí đổ đầu thế này thì chẳng khác gì ép chúng tôi bán xe đi à?"
Cùng quan điểm với chị Thư, anh Tùng Sơn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Chiếc xe mình đang đi hiện còn đang trả góp. Nếu tính phí thế này thì riêng 1 tháng đã mất 1,4 triệu tiền phí bảo trì rồi. Hơn nữa, tôi cũng chỉ dùng xe để cuối tuần, cuối tháng 2 vợ chồng và con cái đi cho tiện chứ không dùng làm phương tiện đi lại chính. Sao không quy ra chuyện xe đi nhiều với xe đi ít mà đóng phí vậy".
Bán xe vì "nuôi tốn"
Ngay sau khi những thông tin về việc thu phí được đưa ra, ngay lập tức sự kiện này trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận.
Tại Việt Nam để một chiếc ô tô có thể lăn bánh trên đường thì người tiêu dùng phải chịu rất nhiều loại thuế và phí như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự, phí xăng dầu. Nếu áp dụng phí lưu hành phương tiện tính trung bình 2,5 triệu đồng/tháng vậy một người dân sử dụng xe hơi tại Việt Nam sẽ phải chi từ 6 – 9 triệu đồng/tháng chưa kể các khoản phí khác.
Tại các diễn đàn về xe cộ trong cả nước có khá nhiều topic bán xe được mở ra, kèm theo đó là những than thở của các thành viên về vấn đề các loại phí.
Chống ùn tắc là câu chuyện dài hơi
Một thành viên có nick Xe4banh trên 1 diễn đàn về ô tô xe máy đã chia sẻ: "Mình đã quyết định cho em Toyota Yaris về vườn nên đã rao bán nó mấy ngày hôm nay. Một phần cũng do vấn đề tài chính, nhưng chủ yếu là do không nuôi nổi "em" nó. Trước đây 1 tháng tôi mất khoảng 4 triệu để nuôi, giờ mà áp dụng thêm phí thì chắc phải mất đứt 8 triệu. Thôi thì đành cho em nó đi tìm chủ mới có điều kiện hơn vậy".
Tại các diễn đàn như Otofun, Otosaigon...có khá nhiều các topic bán xe nhanh chóng được lập lên. Tuy nhiên, người ra vào topic bàn luận chuyện phí thì nhiều chứ người hỏi mua xe thì ít. Anh Lê Quang Phan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngậm ngùi nói: " Tôi đã rao bán xe được 2 hôm rồi nhưng toàn người gọi điện khảo giá thôi chưa ai đặt vấn đề mua cả. Ai cũng như mình cả thôi, mua xe là chuyện lớn nhưng nuôi xe cũng chẳng phải là chuyện "tặc lưỡi" cho qua được."
Nhìn chung, việc thu phí không có gì là bất hợp lý để đảm bảo về việc nâng cao ý thức và hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Chính phủ nên tính toán kỹ lưỡng việc tăng thuế và phí đối với các phương tiện, xe ôtô, tránh đưa ra một mức phí “quá sốc” so với mức thu nhập của người dân.
Dù thế nào đi nữa thì việc tăng phí chỉ là giải pháp trong ngắn hạn có giá trị thời điểm, còn xét trên khía cạnh lâu dài, nếu muốn giải bài toán về giao thông Việt Nam thì chắc chắn Chính phủ sẽ phải có biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao ý thức của người dân. Nếu không làm được điều này thì có lẽ, hằng năm sẽ có một vài thứ phí mới được "sáng tạo" nên.
Theo PLTP