Các doanh nghiệp liên tiếp tung khuyến mãi, giảm giá để kích cầu, thế nhưng sức mua của thị trường máy tính những tháng đầu năm 2013 vẫn còn ì ạch, sản phẩm bán chạy chủ yếu ở mức giá bình dân.
Các doanh nghiệp liên tiếp tung khuyến mãi, giảm giá để kích cầu, thế nhưng sức mua của thị trường máy tính những tháng đầu năm 2013 vẫn còn ì ạch, sản phẩm bán chạy chủ yếu ở mức giá bình dân.
Theo đánh giá chung của giới kinh doanh ngành hàng máy tính, những tháng đầu năm 2013 thị trường laptop trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng không đáng kể.
Thông tin được IDC công bố tại Việt Nam trong tháng 3/2013, do sức mua yếu, lượng máy tính trên thị trường bị ứ lại trong kho. Thực ra là từ quý 4/2012, các hãng sản xuất máy tính và nhà phân phối đã phải đối mặt với thực trạng phân khúc máy tính tiêu dùng vẫn “ngập” hàng tồn kho. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2013 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra đầu tháng 4 cũng cho thấy, chỉ số hàng tồn kho của sản phẩm máy vi tính (cùng nhóm với sản phẩm điện tử) tuy có giảm khoảng 31,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức cao.
IDC đánh giá sức mua máy tính từ phân khúc giáo dục và các dự án công khả quan, nhưng phân khúc thương mại trong quý 4/2012 nhìn chung còn yếu do sự bất ổn liên tục của nền kinh tế.
Vì thế, trong năm 2013 thị trường máy tính tại Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với sức mua hạn chế, cộng thêm áp lực đến từ tablet và smartphone nên giá của các dòng máy tính tầm trung và cao cấp như Ultra Slim (cấu hình mạnh, mỏng…) phải giảm hơn nữa để có thể cạnh tranh.
Qua thực tế hoạt động kinh doanh của 200 cửa hàng trên toàn quốc, đại diện Thegioididong.com nhận định rằng dù vẫn trong mạch khó khăn chung song sức tiêu thụ sản phẩm laptop tháng 3/2013 của doanh nghiệp này tăng khoảng 15% so với tháng 2. Những sản phẩm bán chạy chủ yếu đứng ở mức giá phổ thông từ trên 6 –10 triệu đồng như Lenovo G480, Acer Aspire E1 531, Toshiba Satellite C800, Asus X401A, Asus X45C, Dell Inspiron N5420…
Ngoài ra, theo đánh giá của một số siêu thị, hiện các mẫu laptop dùng Windows 8, đặc biệt là những sản phẩm được trang bị màn hình cảm ứng “giá mềm” (như của Asus) vẫn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Laptop dùng Windows 8 vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng, tuy nhiên giá bán vẫn cao. Ảnh: H.P
Nhận định của đại diện một số siêu thị như Trần Anh, Media Mart cho thấy, ở mức giá bán dưới 7 triệu đồng có tới gần 30 sản phẩm đến từ những thương hiệu khác nhau như Asus, Acer, Lenovo.
Thực tế trên cũng chứng tỏ phân khúc tiêu dùng bình dân vẫn được các hãng đến từ Đài Loan, Trung Quốc đặc biệt chú trọng. Bởi với đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp thì loại laptop dưới 7 triệu đồng trang bị cấu hình Intel Pentium Dual Core vẫn cho phép xử lý hiệu quả các ứng dụng đơn giản, photoshop, lướt web… phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Qua khảo sát của ICTnews, các hệ thống cửa hàng, siêu thị điện máy, máy tính liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng và “gỡ khó” cho việc giải bài toán sức ép doanh số. Tùy thuộc vào năng lực từng doanh nghiệp, các chương trình khuyến mãi đang được tung ra như giảm giá trực tiếp, tặng phiếu mua hàng, giảm giá qua kênh online, tặng thêm RAM, quạt điện, túi đựng máy, bộ vệ sinh máy tính…
Tuy không thuộc phân khúc bình dân nhưng “gây sốc” cho thị trường về chiêu thức khuyến mãi thuộc về sản phẩm Toshiba Satellite M840 53234G50G giá 15,39 triệu đồng, khách hàng được khuyến mãi bộ quà trị giá 2 triệu, nếu không lấy quà được trừ thẳng vào giá bán.
Ngoài ra, một số hệ thống như Trần Anh, Media Mart… cũng đang áp dụng chương trình giảm giá 5 - 10% nếu khách hàng thanh toán qua thẻ tín dụng của các ngân hàng khác nhau như Agribank, MB Bank…
H.P
theo ICT News