Sự kiện hot
12 năm trước

Lật tẩy nem chua rởm: Bài 1: Nem chua bẩn đội lốt “đặc sản nem chua Thanh Hóa”

Dantin - Mỗi ngày, có hàng tấn nem chua các loại được đưa vào nội thành Hà Nội để cung cấp cho các cửa hàng, quán nhậu. Cũng mỗi ngày, có hàng trăm chiếc xe đạp bán rong nem chua len lỏi khắp các ngõ ngách với mác “đặc sản nem chua Thanh Hóa”.

Dantin - Mỗi ngày, có hàng tấn nem chua các loại được đưa vào nội thành Hà Nội để cung cấp cho các cửa hàng, quán nhậu. Cũng mỗi ngày, có hàng trăm chiếc xe đạp bán rong nem chua len lỏi khắp các ngõ ngách với mác “đặc sản nem chua Thanh Hóa”. Nhưng ít ai biết rằng những “đặc sản nem chua Thanh Hóa” đó đều ra lò từ những cơ sở sản xuất nem chua ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) với “công nghệ bẩn” khiến những ai tận mắt chứng kiến phải rùng mình.

Rùng mình với “công nghệ” làm nem bẩn

Sau nhiều lần ngỏ ý “đặt hàng” và cũng là chỗ quen biết, Tuấn, nhân viên phụ trách bếp ở quán bia hơi trên đường hồ Đền Lừ (Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội) mới đồng ý cho PV đi cùng để lấy nem chua về cho quán. Trước khi đi, Tuấn cảnh báo trước: “Ông mà đi cùng, thấy họ làm về không dám ăn nem chua nữa đâu”.

Cơ sở sản xuất nem chua mà Tuấn dẫn đến nằm lọt thỏm trong ngõ sâu thuộc địa phận thôn Yên Ngưu (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Và dù đã được Tuấn cảnh báo trước, song khi đến nơi, được tận mắt chứng kiến cảnh sản xuất nem chua ở đây PV không khỏi có cảm giác rùng mình.


Sản xuất nem bẩn.

Khu lò làm nem chua, chả lụa rộng chừng 100m2 ngổn ngang những xô, chậu lấm lem, bẩn thỉu, đựng đầy những bột màu hóa chất đủ loại. Một góc phòng đặt vài ba thùng xốp và tủ đông lạnh đựng thịt và mỡ lợn đã thâm màu. Góc phòng ngay gần nhà vệ sinh, những người làm công đang kéo những miếng da heo lấm tấm đất cát bốc mùi hôi khó chịu cho vào một chiếc thùng đựng dung dịch lớn. Chỉ ít phút sau, những tấm da lợn được kéo ra trở nên trắng tinh, sạch sẽ như những miếng cùi dừa mới được lột ra khỏi vỏ.

Nhanh chóng, một công nhân đưa những miếng da cho vào một chiếc máy cắt thành những sợi da lợn đẹp mắt để chuẩn bị làm nem. Tại một chiếc máy xay thịt đặt ở góc bên kia, một người làm công khác vừa cho thịt và mỡ heo lấy từ các thùng xốp cho vào máy. Sau khi đã có đủ hỗn hợp mỡ và thịt lợn cùng với bì, tất cả được cho vào hai chậu khác nhau. Mỗi chậu được một người nhào trộn bốc các chất bột và chế các gia vị từ các xô để sẵn vào theo từng tỷ lệ khác nhau. Qua trò chuyện với một người làm công thì được biết là tùy vào thời gian nem chua muốn bảo quản mà có một công thức thêm bớt hóa chất riêng.

Cứ thế hỗn hợp được những người làm công nhào trộn và gói thành những miếng nem chua nhỏ bằng tay không và xếp thành đống trên nền đất nhầy nhụa. “Những quả nem này sẽ giao cho người lấy hàng vào sáng hôm sau mà không cần phải qua công đoạn ủ lên men chua hay bất kỳ công đoạn nào khác”, một công nhân làm nem nói. Cầm thử một miếng nem vừa làm xong, bằng mắt thường có thể nhận biết thấy màu sắc và mùi hương của loại nem này không hề khác là mấy so với những miếng nem chua được làm bình thường và dán mác “đặc sản”.

Bà Th, chủ cơ sở sản xuất “nem chua Thanh Hóa” này giải thích: “Bì lợn trước khi được chế biến đã được ngâm ủ mấy ngày trước nên đã chua sẵn rồi. Nên khi làm nem không cần phải ủ lại. Còn mùi vị thì chỉ cần các loại phụ gia là có thể tạo được mùi vị y hệt mà không ai có thể nhận ra” (?!).

Cũng theo bà Th., mỗi ngày, cơ sở sản xuất của bà cung cấp cho Hà Nội hàng tạ nem chua lẫn giò như thế. “Chủ yếu là các quán nhậu đến lấy là nhiều, đa phần là chỗ quen biết, đã làm ăn lâu dài. Ở đây ít khi bị ế hàng lắm, nếu nem có ế thì đã có người đến nhập để rao bán rong bằng xe đạp”, bà Th nói.

Nhiều cơ sở cùng hoạt động

Qua tìm hiểu được biết, tại huyện Thanh Trì không chỉ có riêng cở sở bà Th. mà còn có hàng chục cơ sở làm giò, chả và nem chua khác nữa đang cùng hoạt động.

Trong vai người mua hàng, PV được chị H., một chủ cơ sở sản xuất nem chua nằm sau Trung tâm Thương mại Thanh Trì (trên đường Ngọc Hồi) đã “đon đả” mời vào “lò” sản xuất nhà chị. Tại đây, PV lại một lần nữa được tận mắt thấy những đống da lợn còn bám đầy lông, dính đất cát vứt ngổn ngang trên nền xi măng. Bên cạnh đó là những chiếc can nhựa đựng đầy hóa chất không rõ nguồn gốc. Một bếp than bằng đất sơ sài để phục vụ cho quá trình chế biến nem, giò chả cháy bừng bừng.

Chị H. cho biết, mỗi ngày gia đình chị dùng khoảng 4 tạ bì lợn để làm nem, giò và phần bì lợn còn lại đem mang sấy khô rồi nhập cho thương lái làm bóng bì. “Nguồn bì lợn được một số chủ hàng thu gom ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và ở những lò mổ lợn ở Hà Nội”, chị H. nói.

Chị H. gọi chồng xách chiếc can nhựa màu xanh, bên trong có chứa chất lỏng. Bên ngoài chiếc can nhựa không hề có một thông tin nào về chất lỏng đựng bên trong can. Người đàn ông này dùng tay bốc đống bì lợn bèo nhèo dưới nền xi măng rửa qua một lượt bằng nước lạnh. Theo chị H., rửa bì lợn qua một lần là để bì lợn được “uống nước”, như vậy sau khi ngâm với chất tẩy này thì những bụi bẩn và lông lợn sẽ nhanh chóng biến mất.


Da lợn bẩn được phơi khô và ngâm rửa hóa chất để làm nem.

Sau một hồi trò chuyện, chị H không ngần ngại tiết lộ: “Để bì lợn được ngon, đủ độ giòn thì khâu tẩy rửa là quan trọng nhất. Chừng 20 phút, công đoạn “làm sạch” bì lợn mới hoàn thành. Ngâm hơn 30 phút nữa thì toàn bộ đất cát, bụi bẩn và lông lá trên bì lợn sẽ tự “rụng”. Nói thật với các chú, mình là dân làm ăn, cứ nói thẳng tưng với nhau là bây giờ lấy đâu ra 100% là nem “xịn”. Nem chua bán với giá 2 nghìn đồng/chiếc như hiện nay thì làm sao có thể làm vừa ngon vừa bảo đảm an toàn vệ sinh được. Tiền nào của nấy thôi”.

Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay, đa số những sản phẩm như nem chua, nem thính, giò chả bày bán ở các chợ, cửa hàng, quán ăn không hề có nguồn gốc rõ ràng. Người kinh doanh có thể dán nhãn mác nơi sản xuất tùy thích và bởi vậy, người tiêu dùng vẫn đang bị đánh lừa và tiêu thụ loại thực phẩm – nem chua độc hại mà không hề hay biết.

Hoàng Sơn

Từ khóa: