Tiếp tục thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, dù còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ 2014
Tiếp tục thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, dù còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ 2014, nhưng cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã sớm khởi động các kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, và chuẩn bị cho người dân đón Tết…
Theo chương trình hành động này, ngày 17/9 TP. Hà Nội đã có chỉ thị tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý giá, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013 và trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014.
Nhằm hỗ trợ người dân đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, chỉ thị đặt ra yêu cầu hàng đầu là công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Chỉ thị yêu cầu các Sở Tài chính, Thương mại, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, quận, huyện theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn, như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại...
Đánh giá hiệu quả các biện pháp và chương trình bình ổn giá đã và đang thực hiện để tham mưu, trình thành phố quyết định triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến bất hợp lý; thực hiện các biện pháp quyết liệt ổn định thị trường giá cả, các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp giãn thời gian điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhất là trong tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ năm 2014.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước; ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trốn lậu thuế... theo quy định; tập trung kiểm tra việc thực hiện bình ổn giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, kịp thời đưa hàng bình ổn giá đến phục vụ người dân nhất là đồng bào nghèo ở miền núi, công nhân các khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan Thuế, Kho bạc tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá. Tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, ngừng các khoản chi, nội dung chi không chấp hành đúng quy định, thủ tục hồ sơ, không đúng chế độ; các khoản chi không thực sự cấp bách, không thiết thực.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, ngoài việc yêu cầu các Sở, ngành chức năng có liên quan đến các hoạt động của thị trường, để chương trình chăm lo Tết cho dân đạt được ý nghĩa trọn vẹn, chỉ thị cũng yêu cầu nhiều cơ quan hữu quan cùng chung sức cho chương trình này.
Các Sở, ngành Giao thông vận tải, Công An, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng ô tô của các chủ phương tiện để có biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp không thực hiện kê khai giá; tăng cường công tác ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; ngăn chặn các hành vi đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lời bất chính; các hoạt động sản xuất - kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế duy trì thường xuyên biện pháp khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm; chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức đoàn kiểm tra xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt gà, lương thực, thực phẩm, rau quả..., đáp ứng kịp thời nhu cầu lương thực cho nhân dân.
Trong lúc này thì tại TP. Hồ Chí Minh, việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 cũng đã được vận hành. Theo Sở Công thương, tính đến hết tháng 6/2013, tổng số điểm bán của chương trình bình ổn đã triển khai là 7.412 điểm, tăng 3.410 điểm so với năm 2012 và 7.168 điểm so với năm đầu tiên triển khai 2008.
Với chương trình bình ổn năm 2013, các doanh nghiệp tham gia đã đầu tư, nâng cao chất lượng điểm bán, tập trung phát triển các cửa hàng tiện ích, ngưng những điểm bán nhỏ lẻ không đạt yêu cầu, không chấp hành các quy định của chương trình.
Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng trong dịp cuối năm và Tết Giáp Ngọ 2014 sắp tới, tuy so với những năm trước, mãi lực, giá bán trong các chương trình bình ổn dự kiến không biến động nhiều, nhưng lượng hàng thường tăng khoảng 20% so với thông thường. Nên doanh nghiệp cần có kế hoạch chi tiết để tạo nguồn hàng. TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức các chương trình liên kết tạo nguồn hàng với các tỉnh và các DN sản xuất, phân phối.
Đại diện Sở NN và PTNT cũng cho biết, vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn vì giá sản phẩm đầu vào ngày càng tăng nhưng giá bán lại quá thấp, dưới giá thành. Vì thế, từ nay cho đến cuối năm thành phố phải chủ động tìm nguồn hàng, nếu không, rất có thể sẽ thiếu nguồn thịt gia súc, gia cầm…
Thủy Thụy
theo Thanh tra