Cuộc chiến giữa Eximbank và Sacombank đang khiến nhiều DN thực sự lo ngại và tích cực gom vào cổ phiếu để chống thâu tóm, kéo giá nhiều cổ phiếu đi lên.
Cuộc chiến giữa Eximbank và Sacombank đang khiến nhiều DN thực sự lo ngại và tích cực gom vào cổ phiếu để chống thâu tóm, kéo giá nhiều cổ phiếu đi lên.
Những nghi vấn mới
Trái ngược với tình trạng ảm đạm và thiếu thanh khoản trước đó, trong vài ngày gần đây hiện tượng tranh mua đã diễn ra khá mạnh mẽ trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.
Những cổ phiếu được tập trung mua và săn lùng nhiều nhất nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán (CTCK).
Đối với nhóm chứng khoán, có thể thấy, được giới đầu tư săn lùng mua là bởi sóng tăng giá chứng khoán đợt này khá mạnh và kéo dài suốt từ trước Tết Nguyên đán tới giờ. Thị trường lên, giá cổ phiếu lên thì người được hưởng lợi nhiều nhất, hưởng lợi kép chính là các CTCK.
Mặc dù vậy, sức tăng của các cổ phiếu chứng khoán hề ấn tượng so với nhóm ngân hàng mà điển hình là cổ phiếu HBB của Ngân hàng Habubank.
Sáng 23/2, chưa đầy 40 phút sau khi sàn Hà Nội mở cửa, cổ phiếu này đã có gần 11 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Dư trần khi đó vẫn đạt hơn 1,4 triệu cổ phiếu. Tới 10h30, số dư lên tới trên 4,8 triệu trong khi lượng người bán ngày càng suy giảm.
Trước đó, trong 4 phiên đầu tuần vừa qua, cổ phiếu HBB được liệt vào danh sách những cổ bán không có người mua. Khi đó, HBB giảm mạnh liên tục, trong đó có hai phiên giảm sàn với dư bán lớn. Người mua ít, do vậy lượng khớp trong các phiên đó chỉ đạt từ 1-4 triệu đơn vị.
Tình hình đã hoàn toàn thay đổi trong tuần này với lượng cổ phiếu khớp trung bình trung 3 phiên vừa qua (không tính sáng 23/2) đạt hơn 11 triệu đơn vị được chuyển nhượng/phiên.
Đây là con số cao bất thường so với giao dịch thường thấy ở cổ phiếu HBB.
Hiện tượng này xuất hiện sau khi Habubank thông báo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2011 giảm 45% so với năm trước và sau vụ Ngân hàng Eximbank công khai lên tiếng thông báo đã nắm trong tay (bao gồm cả ủy quyền) 51% cổ phần của Sacombank sau một thời gian dài âm thầm mua vào.
Bất chấp lo ngại về việc cho tới bây giờ chưa thấy Habubank nhận được "trát" của NHNN về việc phân loại vào nhóm nào, nhưng một điều dễ nhận thấy là tại thời điểm này các nhà đầu tư không mấy quan tâm tới trường hợp này.
Một không khí sôi động và quyết tâm lao vào mua HBB là khá rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, bất kể thuộc nhóm nào, vùng giá hiện tại mua vào là "quá ổn". Theo họ, giá cổ phiếu đang ở mức thấp mà nguy cơ bị thâu tóm sẽ khiến nhiều thế lực ở hai chiều mua vào.
Và kể cả không có thế lực nào thì với tình hình hiện tại, một lượng lớn tiền đầu cơ nương theo tin đồn sẽ đổ vào HBB, vào một số mã ngân hàng khác và các doanh nghiệp hoạt động tốt nhưng có giá cổ phiếu đang ở mức thấp.
Một loạt các mã ngân hàng, chứng khoán và tài chính khác tăng giá trần hoặc sát trần trong phiên giao dịch sáng 23/2 gồm: MBB, SHB, AGR, AVS, BVS, APS, IDJ, PVF...
Chống thâu tóm, thôn tính
Trong thời gian qua, hoạt động mua bán, sáp nhập tại Việt Nam chưa thực sự sôi động. Một số vụ mua bán như Masan và VCF đã đánh dấu sự phát triển của thị trường này nhưng trên thực tế sau phát pháo Eximbank bất ngờ gửi văn bản yêu cầu đến Sacombank với lý do đại diện nhóm cổ đông nắm 51% cổ phần thì hoạt động này mới thực sự rầm rộ và được bàn tán nhiều nhất.
Cho dù chưa đi đến hồi kết và NHNN đã chính thức lên tiếng cho rằng các thông tin chưa chính xác, nhưng rõ ràng vụ việc đã khiến thị trường không khỏi ngỡ ngàng về một tiền lệ mới trong mua bán, sáp nhập ngành ngân hàng ở Việt Nam.
Đó là một trường hợp thâu tóm từ từ bằng cách gom cổ phiếu và vận động cổ đông lớn thông qua hình thức ủy quyền chiến.
Thông thường, hoạt động thâu tóm mang đến khá nhiều lợi ích cho cả hai bên như kết hợp được sức mạnh, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thị phần, tiếp cận nguồn lực mới, đa dạng hóa hoạt động...
Mặc dù vậy, cũng không phải là không có bất lợi, đặc biệt trong trường hợp nếu thâu tóm là thâu tóm thù địch. Trong trường hợp này, thông thường doanh nghiệp đi thâu tóm nhận biết được giá trị và lợi thế của đối phương. Quá trình thâu tóm được thực hiện với mục đích nắm quyền kiểm soát và sau đó tận dụng lợi thế của đối phương để phát triển.
Cũng trong trường hợp này, có thể sau thâu tóm, hai bên đều tốt lên. Nhưng một điểm quan trọng là lợi ích của các ông chủ cũ sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Đây có thể là lý do khiến các doanh nghiệp rất thận trọng đối với các vụ việc như trên.
Trong một thông báo vừa phát ra, NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng đã văn bản theo đó không đồng ý chủ trương chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại ABBank cho HDBank. Lý do được đưa ra là chưa đáp ứng một số yêu cầu quy định về tỉ lệ chuyển nhượng vốn sở hữu cổ phần theo quy định của NHNN.
Ý định mua cổ phần ABBank của HDBank thì chưa ai có thể biết. Đó có thể là để lấy cổ tức, mở rộng hoạt động hoặc vì các lý do gì khác.
Ở góc độ của HĐQT các doanh nghiệp có khả năng bị nguy cơ, việc tính tới các cách phòng thủ để tránh bị thôn tính là cần thiết nhưng cũng không quá né tránh.
Các chiêu thức chống thôn tính thường thấy có thể là: mua cổ phiếu quỹ nếu giá quá rẻ và doanh nghiệp dư thừa tiền mặt; phát hành thêm cổ phiếu ở mức vừa phải có tính toán (không để cổ phiếu trôi nổi trên thị trường quá nhiều và mất kiểm soát đối với các cổ đông lớn); cho phép cổ đông hiện tại được quyền mua cổ phiếu mới với mức giá thấp hơn nhiều so với giá đang giao dịch (khiến chi phí bên đi thâu tóm sẽ cao hơn); trao cho các trái chủ quyền được trả lại tiền ngay cho các trái phiếu họ nắm giữ nếu công ty bị mua lại; hạn chế quyền bỏ phiếu (đối với các cổ đông nắm quá nhiều); dựa vào luật chống độc quyền; tranh mua; bán các tài sản cho bên thứ 3; chào mua lại bên đi mua...
Theo VEF