Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như tốc độ phát triển như hiện tại, Thị xã Hoàng Mai phấn đấu đến năm 2030 xây dựng trở thành thành phố, và đến năm 2045 đạt mức phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại với đời sống nhân dân được nâng cao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về xây dựng và phát triển Thị xã Hoàng Mai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đặt ra là Thị xã Hoàng Mai sẽ trở thành thành phố vào năm 2030.
Nghị quyết nhấn mạnh khi trở thành thành phố, Hoàng Mai sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh. Đến năm 2045, Hoàng Mai sẽ là thành phố phát triển toàn diện, văn minh và hiện đại.
Nghị quyết đề ra 5 quan điểm chủ đạo, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng Thị xã Hoàng Mai thành đô thị động lực và cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Nghệ An là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Công tác này đòi hỏi sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Thị xã sẽ tập trung nguồn lực, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển toàn diện, trọng tâm và phù hợp với quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Hoàng Mai trở thành thành phố, và đến năm 2045 đạt mức phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại với đời sống nhân dân được nâng cao.
Giai đoạn 2025 - 2030, Hoàng Mai cần đạt mức tăng trưởng kinh tế liên tục từ 13 - 14%/năm. Năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10%/năm, thu ngân sách nhà nước tăng từ 12 - 14%/năm. Cơ cấu kinh tế dự kiến đến năm 2030 bao gồm công nghiệp và xây dựng chiếm 68 - 70%, dịch vụ đạt 23 - 25%, nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 7 - 9%. Thu nhập bình quân đầu người sẽ gấp 1,5 - 1,8 lần mức bình quân chung toàn tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 170.000 - 200.000 tỷ đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để sớm đưa Hoàng Mai trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời, địa phương cần hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu trong năm 2025, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tỉnh Nghệ An. Hoàng Mai cũng cần chú trọng tính liên kết vùng, phát triển đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh.
Nghị quyết xác định ba vùng phát triển của Thị xã Hoàng Mai gồm vùng đô thị trung tâm, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục; vùng phát triển công nghiệp, cảng biển và logistic; vùng nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Bốn hành lang phát triển bao gồm hành lang kinh tế biển, hành lang đô thị - dịch vụ - công nghiệp, hành lang công nghiệp, dịch vụ tổng hợp, hành lang sinh thái.
Thị xã Hoàng Mai cần tập trung giải phóng mặt bằng, tăng cường đầu tư hạ tầng đô thị, giao thông và thông tin. Đồng thời, địa phương cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, các dịch vụ hiện đại và kinh tế biển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết và trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho sự phát triển của Thị xã Hoàng Mai.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU