Lên lý lịch về sai phạm từng ngân hàng
Dồn dập những thông tin về tái cơ cấu, rồi mua bán sáp nhập... thậm chí cả sàng lọc và loại bỏ các ngân hàng yếu kém được đưa ra. Đến các huyên gia kỳ cựu - từng lãnh đạo ngân hàng - tuyên bố có hàng chục ngân hàng yếu kém trong tầm ngắm sàng lọc, và chuyện sáp nhập, giải thể không có gì là khó... như sắp đến nơi rồi. Thậm chí, đã có những đồn đoán về một danh sách các ngân hàng đi kèm với đó là hồ sơ về yếu kém và tội trạng phải xử lý càng sớm càng tốt. Điều này đã tác động rất lớn đến tâm lý những người đang gửi tiền. Không biết từ đâu, những sự cố, vết đen dù chưa được kiểm chứng được liệt ra để soi lại "lý lịch" của từng ngân hàng.
Một chuyên gia thường tham gia các diễn đàn tài chính ngân hàng cho biết, mấy ngày nay anh liên tiếp nhận được các tin nhắn, điện thoại và cả email hỏi thăm đầy âu lo của những người quen để hỏi về tình hình các ngân hàng và xin một lời khuyên. Đó có thể là những người đầu tư chứng khoán cần thông tin, nhưng đơn giản, có khi chỉ là một công chức về hưu lo lắng về khoản tiền gửi của mình trong một ngân hàng vừa vướng vào các vụ lừa đảo...
Cách đây 2 ngày, đang trưa anh nhận được tin nhắn đầy khó hiểu của một người bạn lâu ngày không gặp: "Ông ơi, gửi tiền ngân hàng nhỏ có sao không?". Cô bạn thật lòng, số tiền chồng đi nước ngoài gom góp cùng với nguồn rút về từ việc bán đất đai đang để cả trong ngân hàng S. Mấy hôm nay nghe nói ngân hàng nào lãi suất càng cao là càng có vấn đề, mà còn nghe nói nó còn bị xem xét sáp nhập nên không biết xử lý thế nào. Rút sớm thì mất lãi vì vẫn còn kỳ hạn đến cuối năm, mà để rồi nó "vỡ" mất hết thì sao?
Thậm chí, không biết từ đâu, cô còn có những thông tin về ngân hàng G đã từng bị mất thanh khoản khiến cơ quan nhà nước phải "cấp cứu" mấy ngàn tỷ từ trước tết năm kia. Mà cái ngân hàng này toàn cho vay bất động sản, chứng khoán thôi mà thị trường thế này nên không thực hiện được việc hạ cho vay phi sản xuất về theo yêu cầu đâu.
Một giám đốc DN nhỏ làm trong lĩnh vực xây dựng cũng cho hay, khi tiền mà các đối tác trả đổ về tài khoản ngân hàng Y. - một ngân hàng lâu nay có tiếng là "anh cả", anh cho nhân viên ra rút hết vì lo rằng, nhỡ có vấn đề gì không hay.
Quan chức Ngân hàng Nhà nước dù đã rút khỏi ngành cũng kể rằng, một người bà con xa làm nghề buôn bán quần áo - tưởng như chẳng liên quan gì đến chuyện to tát tái cơ cấu ngân hàng - cũng lo lắng hỏi về số phận ngân hàng S. Loanh quanh, vòng vo, cuối cùng bà thú nhận đang có khoản tiền gửi hơn 4 tỷ đồng và mấy hợp đồng tham gia các loại hình đầu tư ở ngân hàng này. Bây giờ, nghe thông tin đồn đại đâm ra lo sợ.
Bà còn cho biết, những thông tin bà mới cập nhật, cổ phiếu của nó thời cao nhất trên 6 chấm nay còn 0,7; cổ đông nhà nước đang rút vốn đầu tư ra khỏi hàng loạt công ty, chắc cũng đến lượt ngân hàng thôi. Mà cổ đông nhà nước này sắp bị thanh tra, kiểm toán toàn diện nên chắc cũng ảnh hưởng đến ngân hàng cho mà coi.
Rồi không biết từ đâu bà kể vanh vách, ngân hàng này mới bị tố cáo huy động vượt trần lãi suất "cãi" mãi mới thoát. Năm ngoái, một nhân viên chi nhánh nhân hàng này lừa rút mấy chục tỷ mà mãi mới phát hiện... Rồi bà hỏi như kết luận: "Ngân hàng này chắc bị cho sáp nhập chú nhỉ"?
Vị chuyên gia đành động viên rằng, tất cả mọi hoạt động ngân hàng đều đang được kiểm soát và an toàn, nếu sáp nhập ngân hàng quyền lợi khách hàng sẽ được đảm bảo.
Trong khi đó, những ngày gần đây, trên thị trường chứng khoán, người ta cũng sôi sục bàn tán về khả năng nhà băng nào bị áp nhập, nhà băng nào bị xử lý. Để chứng minh cho điều mình nói, ai cũng kể ra vanh vách những sai phạm, sự cố của những ngân hàng được cho là trong tầm ngắm. Thậm chí, cả những bất đồng trong lãnh đạo, cổ đông, khó khăn kinh doanh, tăng vốn đều bày ra như là người trong cuộc.
Thực tế, những rủi ro và sai phạm của các ngân hàng ngày càng lộ ra khi kinh tế khó khăn đã cho thấy một thực tế các ngân hàng đã từng cạnh tranh một cách vô lối, bất chấp tất cả các quy định và đạo đức để đẩy lãi suất cao, phá tỷ giá, làm khó DN, "bóp cổ" người đi vay để kiểm lợi. Có những ngân hàng lớn nhất nhì cả nước mà trong một năm, hàng loạt lãnh đạo và nhân viên bị bắt và khởi tố trong các vụ án liên quan đến sai phạm cho vay, rồi DN con thua lỗ cả ngàn tỷ đồng... Thậm chí, trong vụ lừa đảo tiền tỷ liên quan đến nhân viên ngân hàng mới đây cho thấy, các thủ phạm đều là nhân viên và dựa bóng ngân hàng.
Theo luật, ngân hàng vô can. Sa thải nhân viên, ai làm sai người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng dư luận sẵn sàng đặt câu hỏi: Với những nhân viên như thế và với sự kiểm soát còn lỏng lẻo, thì nơi được mệnh danh là kinh doanh bằng niềm tin, uy tín và gắn kết với khách hàng - liệu có còn xứng đáng và niềm tin của người dân vào két sắt ngân hàng có còn được vẹn nguyên?.
Hãy lấy lại niềm tin
Nói về sự việc đáng tiếc đã xảy ra, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Tienphongbank, cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn thì rủi ro về mặt đạo đức sẽ rất dễ xảy ra, đặc biệt đối với cán bộ ngân hàng là người thường xuyên tiếp xúc và quản lý dòng tiền ra vào rất lớn.
"Thời gian trước, thị trường chứng khoán, bất động sản bùng nổ, kiếm tiền có vẻ quá nhanh và quá dễ. Chính vì thế mà không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mà người người, nhà nhà bung ra kinh doanh, thị trường phát triển quá nóng, có bao nhiêu vốn vay mượn dồn hết vào một giỏ. Thậm chí, có người còn lạm dụng đòn bẩy tài chính khi trong tay chỉ có 7-8% vốn thực. Sau thời điểm các cơ quan quản lý thực thi chính sách ngăn dòng tiền vào chứng khoán, bất động sản, những người đầu tư quá lớn, vay mượn nhiều đứng trước nguy cơ một mất một còn nên dễ đánh mất mình. Thực tế chúng ta quan sát thấy nhiều vụ vỡ nợ, sai phạm liên quan tới đại gia này, cán bộ ngân hàng kia...", ông Việt Anh chỉ rõ.
Thực tế, chính các ngân hàng cũng đã nhận ra điều này. Trong cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng mới đây, bên cạnh những kêu ca về khó khăn từ việc siết chặt kỷ luật, chấn chỉnh thị trường thì các ngân hàng cũng đã đồng ý với nhau rằng, đây là cơ hội lấy lại hình ảnh và uy tín của hệ thống ngân hàng. Điều đó đồi hỏi mỗi ngân hàng phải cố gắng vì chính mình và cả hệ thống.
Theo ông Việt Anh, ngân hàng là két sắt của thương nhân, là người giữ tiền và thu phí. Ngân hàng phải có uy tín, phải xây dựng được niềm tin và là địa chỉ an toàn thực sự người ta mới dám đem tiền đem của đến gửi. Đặc biệt là nhiệm vụ chính của ngân hàng là phải bảo quản tiền của khách hàng an toàn trong mọi trường hợp. Ngân hàng phải dùng uy tín để đảm bảo và chịu trách nhiệm thực hiện điều đó.
Trên các diễn đàn gần đây, các chuyên gia đều nhấn mạnh, một trong những rủi ro lớn nhất của các ngân hàng chính là vấn đề rủi ro đạo đức và thiếu vắng cơ chế khuyến khích thực thi các biện pháp quản trị đúng đắn.
Chính vì thế, một trong những đòi hỏi của tái cơ cấu, chuyên gia ngân hàng quốc tế Phan Minh Ngọc nhấn mạnh, phải phục hồi lòng tin vào hệ thông ngân hàng (thông qua bảo lãnh tiền gửi, củng cố cơ cấu thể chế, thi hành các chuẩn mực kiểm toán và kế toán quốc tế, nhất là chi tiêu phân loại tài sản, thắt chặt công tác giám sát tuân thủ luật lệ, đào tạo cán bộ thanh tra giám sát của Chính phủ và nhân lực kiểm toán.
Ông Việt Anh cũng nhấn mạnh, ngân hàng luôn coi trọng và giữ gìn uy tín là nhiệm vụ hàng đầu và thực thi nó bằng kinh nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ khác nhau, mà quan trọng nhất là luôn duy trì quản trị rủi ro rất tốt và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Một nguyên tắc hàng đầu là trong mọi trường hợp, luôn bảo đảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trước tiên, chịu trách nhiệm đến cùng cho tất cả hành vi của mình cũng như của tất cả cán bộ nhân viên.
Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro nên quản trị rủi ro luôn mang tính sống còn đối với ngân hàng, đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Chúng ta thấy một loạt sai phạm diễn ra gần đây đều liên quan đến ngân hàng thì việc tăng cường công tác quản trị rủi ro thực sự là vấn đề cần được ưu tiên đối với bất cứ ngân hàng nào. Nhưng uy tín không thể có ngay mà phải tích lũy, xây dựng cùng với thời gian. Ngân hàng trước tiên phải đảm bảo trở thành két sắt thực sự của người dân bằng chất lượng phục vụ, bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn giảm thiểu mọi rủi ro cho khách hàng và cho chính ngân hàng.
Lê Khắc
Theo VEF.VN