Sự kiện hot
3 năm trước

Loạt ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch khi chưa hết năm tài chính

ACB, MSB, Sacombank, VIB, ABBank thông báo hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 chỉ sau 10 - 11 tháng. Trong đó, một số ngân hàng kì vọng lợi nhuận thực hiện sẽ vượt xa kế hoạch đề ra.

e-tien-ngan-hang-dong-loat-giam-lai-suat-mua-nha-sam-xe-1-1604124705784.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân Trí)

Loạt ngân hàng vượt kế hoạch lợi nhuận

Mặc dù mới chưa kết thúc năm tài chính 2020 nhưng nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 11 tháng với lợi nhuận vượt xa kế hoạch đề ra cho cả năm.

Theo công bố của ACB, tính đến ngày 30/11, tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8.723 tỉ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm.

Đến cuối tháng 11, ACB có tổng tài sản gần 428.000 tỉ đồng, tăng 11,7%; Huy động tăng trưởng 11,5% đạt 343.000 tỉ đồng. Tín dụng ở mức 305.000 tỉ đồng, tăng trưởng 13,7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.

Trước đó, ACB đã kí thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn 15 năm. Giá trị thương vụ không được ngân hàng tiết lộ, tuy nhiên theo các công ty chứng khoán, việc kí hợp đồng bảo hiểm độc quyền sẽ giúp cho ACB có được khoản phí trả trước lên tới 350 triệu USD (tương đương 8.500 tỉ đồng).

Theo giới phân tích, thương vụ bancassurance độc quyền với Sunlife giúp ACB có được nguồn thu ngoài lãi ổn định trong nhiều năm tới. Đồng thời, khoản phí trả trước sẽ giúp ngân hàng củng cố thêm nền tảng vốn và thế mạnh bảng cân đối, duy trì tăng trưởng tín dụng vượt ngành.

Chứng khoán Bảo Việt ước tính lợi nhuận trước thuế ACB năm 2020 sẽ ở mức 8.953 tỉ đồng, tăng 19,2% so với cùng kì năm trước nếu chưa ghi nhận khoản phí trả trước từ bancassurance và có thể tăng thêm nếu ngân hàng bắt đầu ghi nhận từ quí IV/2020.

Tại MSB, lợi nhuận trước thuế 11 tháng vượt hơn 60% mục tiêu kế hoạch năm, đạt hơn 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt trên 165.000 tỷ, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ tại cuộc họp với nhà đầu tư trước thềm niêm yết, ông Nguyễn Hoàng Linh, CEO MSB cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2020 ước đạt 2.300 -2.400 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và vượt 60% kế hoạch năm.

Theo ông Linh, kết quả kinh doanh năm 2020 có sự đóng góp lớn từ hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ. Ngoài việc mang lại lợi nhuận, đây là hoạt động tạo thanh khoản cho MSB. Với khoảng 30.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, chiếm khoảng 20% tổng tài sản, MSB nằm trong top thị trường về doanh số nhà tạo lập thị trường.

ABBank mới đây cũng công bố số liệu kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm.

Tính đến 30/11, tổng tài sản của ngân hàng đạt 92.337 tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng đạt 65.048 tỷ đồng, tăng 14%. Huy động từ khách hàng tăng 3,5% so với cuối năm trước lên 72.013 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 2,32%.

Theo nhận định của ông Lê Hải, Tổng Giám đốc ABBank dựa trên kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm, ngân hàng có nhiều cơ hội sẽ vượt xa chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra tại kỳ họp ĐHCĐ tháng 6.

Tại VIB, lợi nhuận trước thuế 10 tháng đầu năm đạt 4.570 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm trước, và hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2020. Tỉ lệ nợ xấu là 1,6%, tỉ lệ an toàn vốn Basel II là trên 9,5%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng nhà nước (NHNN) qui định.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, kết thúc 10 tháng đầu năm 2020, ngân hàng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm.

Theo bà Diễm, những tháng cuối năm, cầu vốn tín dụng của khách hàng doanh nghiệp đã tích cực hơn. Sacombank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên mức 13,5%, giúp ngân hàng mở rộng ưu địa cho vay, từ đó cải thiện được lợi nhuận.

Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện

Theo báo cáo tài chính quí III của 26 ngân hàng, tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm các ngân hàng đạt 76.273 tỉ đồng, tăng 11,5% so với con số cùng kì năm trước.

Trong đó, phần lớn ngân hàng (16/26) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng và 10 ngân hàng có lợi nhuận giảm so với 9 tháng đầu năm 2019.

screen-shot-2020-11-15-at-155033-16054302544172049371672.png

(Nguồn: Diệp Bình tổng hợp)

Tại cáo mới được công bố, Fitch Ratings cho rằng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các ngân hàng Việt Nam cho thấy áp lực về chất lượng tài sản đã giảm bớt và khả năng sinh lời được cải thiện nhờ triển vọng tích cực của nền kinh tế.

Fitch Ratings kì vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là tín hiệu tốt cho khả năng trả nợ của người đi vay và tạo cơ sở cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Fitch Ratings nhận định các chỉ số chất lượng tài sản có thể sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các qui định phân loại khoản vay đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch - có khả năng vẫn có hiệu lực đến cuối nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, cơ quan xếp hạng tín dụng này cũng cho rằng các ngân hàng đã trích lập dự phòng tín dụng cao hơn trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, việc kiểm soát chi phí hoạt động tốt hơn đã phần nào giảm bớt gánh nặng từ chi phí dự phòng, góp phần vào kết quả lợi nhuận.

Fitch Ratings dự báo trong năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chi phí cũng như hoạt động cho vay đang dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ phần nào bị hạn chế do biên lãi ròng thu hẹp, đặc biệt tại các ngân hàng quốc doanh.

Còn theo ước tính của FiinGroup, với điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 10,2% so với năm 2019, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo dự đoán là suy giảm so với năm trước.

Dự báo này dựa trên cơ sở NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao trong quý IV do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động ngoài lãi vẫn tăng trưởng so với quý III/2020. Đồng thời, các ngân hàng cũng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng trong quý IV/2020 để phần nào dự trù cho tương lai khi Thông tư 01 hết hiệu lực.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: