Sự kiện hot
6 năm trước

Loạt siêu dự án của BIM Group và dự án Starlake Tây Hồ Tây của T.H.T bị thanh tra nhưng chưa ra kết luận

Đầu năm 2018, Bộ Xây dựng công bố danh sách hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản sẽ bị thanh tra trong năm, trong đó có rất nhiều dự án lớn của các đại gia địa ốc đình đám của BIM Group, Công ty TNHH Phát triển T.H.T... bị tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, quá trình thanh tra và kết luận thanh tra đến nay vẫn chưa được Bộ Xây dựng công khai rộng rãi.

Theo nội dung quyết định công bố đầu năm 2018, Bộ Xây dựng công bố danh sách hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản sẽ bị thanh tra trong năm. Bộ sẽ thanh tra các hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án.

Trong số hàng loạt dự án bất động sản bị điểm tên thanh tra năm 2018 có rất nhiều dự án lớn của các đại gia địa ốc.

3 dự án của BIM GROUP tại Quảng Ninh

Trong đó, Công ty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) cũng góp mặt với 3 dự án nổi tiếng ở Quảng Ninh, bao gồm: Dự án KĐT Hùng Thắng, chung cư Green Bay, dự án Hạ Long Marine Plaza.

Cụ thể, dự án khu đô thị Hùng Thắng, nay được đổi tên gọi là KĐT Hạ Long Marina, là một trong những dự án lớn của doanh nghiệp này nằm trong diện thanh tra của Bộ Xây dựng năm 2018.

Theo giới thiệu Hạ Long Marina là khu đô thị có vị trí nằm giữa Bãi Cháy và Tuần Châu, được quy hoạch và phát triển trên tổng diện tích 248 ha, hiện dân cư đã chuyển về sinh sống đông đúc tại khu đô thị.

Phối cảnh dự án KĐT Hùng Thắng của Bim Group.

Một trong những hạng mục nhiều tai tiếng nhất trong khu đô thị này là dự án Citadines Marina Hạ Long. Đây là dự án chung cư và condotel cao cấp của tập đoàn BIM Group. Dự án bao gồm 2 tòa tháp A, tháp B cao 30 tầng với 176 căn hộ và 637 căn hộ dịch vụ Condotel.

Trước đó, dự án Citadines Marina Hạ Long đã từng được báo chí phản ánh liên tục với hoạt động thi công khi chưa được cấp phép xây dựng, huy động vốn trái phép, bán nhà trên giấy khi dự án mới chỉ là bãi đất trống…

Những sai phạm này của chủ đầu tư dự án đã bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, yêu cầu dừng thi công và xử phạt chủ đầu tư 50 triệu đồng vì thi công không phép.

Không chỉ vậy, tại dự án này còn xảy ra sự việc sập giàn giáo khiến 2 công nhân tử vong. Cụ thể, vào ngày 2/12/2018, khi nhà thầu thi công Công ty CP Xây dựng và Ứng dụng công nghệ Delta-V đang đổ bê tông tầng 4 dự án Citadines Marina Hạ Long thì bất ngờ giàn giáo đổ sập, khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng của địa phương đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án Citadines Marina Hạ Long để điều tra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân thiệt mạng.

Phối cảnh dự án KĐT Hùng Thắng của Bim Group.

Bên cạnh đó, chung cư Green Bay Premium thuộc KĐT mới Hạ Long Marina cũng là 1 trong 3 dự án của BIM Group nằm trong danh sách của Bộ Xây dựng, với nội dung thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án.

Greenbay Premium là loại hình căn hộ cao cấp bên cạnh các tòa nhà 17T1, 17T2 đã đưa vào sử dụng của Green Bay Tower.
Dự án thứ 3 thuộc diện thanh tra của Bim Group là Hạ Long Marine Plaza. Dự án nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, cửa ngõ đi vào Bãi Cháy.

Thời điểm tháng 10/2018, 2 điểm mua sắm thuộc Hạ Long Marine plaza nằm trong 12 cơ sở kinh doanh, bán hàng bị UBND TP Hạ Long yêu cầu đóng cửa và dừng ngay hoạt động của các cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch.

Nguyên nhân dẫn đến việc tạm dừng hoạt động là do các cơ sở chưa hoàn thiện các yêu cầu của Sở Du lịch tại các thông báo kết quả làm việc với các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo Kế hoạch số 71/KH-SDL của Sở Du lịch.

Hết thời hạn 15 ngày theo các văn bản của UBND Tp. Hạ Long về việc cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động tạm thời 15 ngày để hoàn thiện các hồ sơ, tiêu chí còn thiếu…, nhưng các cơ sở chưa hoàn thiện tiêu chí về quản lý thuế, ấn chỉ, hóa đơn tại Văn bản số 5124/UBND của UBND Tp. Hạ Long.

Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây

Dự án khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây do Công ty TNHH Phát triển T.H.T làm chủ đầu tư cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp bất động sản được Bộ Xây dựng thanh tra trong năm 2018.

Theo giới thiệu, dự án có số vốn đầu tư 314.125.000 USD, tổng diện tích là 207,66 ha, nằm trên địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm).

Mặc dù được kỳ vọng sẽ là khu đô thị hiện đại hàng đầu Hà Nội, tuy nhiên phải đến 10 năm dự án mới giải phóng xong mặt bằng. Starlake Tây Hồ Tây được cấp phép đầu tư năm 2006, theo kế hoạch dự án sẽ động thổ vào dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 2010 nhưng mãi tới năm 2012 dự án mới được khởi động và đầu năm 2014 mới chính thức khởi công xây dựng.

Sau khi khởi công, chủ đầu tư chủ yếu thực hiện san nền và làm hạ tầng kỹ thuật mà chưa tiến hành triển khai xây dựng. Được biết, thời điểm đó, trong quá trình triển khai dự án, nguồn lực của nhà đầu tư đã giảm sút do khủng hoảng kinh tế nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.

Để vực dậy dự án, T.H.T đã phải “bắt tay” với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) với tư cách là đại diện thu xếp vốn đã ký bản hợp đồng tín dụng trị giá 200 triệu USD cho chủ đầu tư.

Phối cảnh dự án KĐT Hùng Thắng của Bim Group.

Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Dự án Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây được kết nối với 5 tuyến đường vào: số 1,2,3,4,5 (nằm ngoài ranh giới Dự án). Hiện giá các căn biệt thự tại Starlake đang được đẩy lên đỉnh điểm, dao động từ 150 đến gần 200 triệu đồng/m2.

Đến nay, khu biệt thự Starlake Tây Hồ Tây đã hoàn thiện nhưng hạ tầng kết nối bên ngoài đang bị nghẽn khi hàng nghìn m2 đất chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm kết nối giữa đường Võ Chí Công với các khu đô thị và đường Phạm Văn Đồng…

Ngoài các dự án “đình đám” kể trên, hàng loạt dự án lớn của nhiều đại gia địa ốc cũng nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng như: Dự án Khu nhà ở Thạch Bàn; Tổ hợp văn phòng nhà ở, siêu thị cao cấp "MD Complex Tower"; loạt dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco)…

Trong danh sách dự phòng còn có: Công ty CP Đầu tư địa ốc Hải Đăng; liên danh Constrexim 1 Thái Hà và Bộ Công an; Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt. Nội dung thanh tra là hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và thực hiện quy định pháp luật về nhà ở của các tổng công ty, công ty, đơn vị thành viên và các liên danh tại một số dự án.

Tại TP.HCM, các dự án nằm trong diện thanh tra gồm: Dự án Khang Điền - Phước Long B, Khu nhà ở công ty Song Lập (Melosa Garden); Khu nhà ở cao tầng công ty Thành Phúc, Khang Điền – Phú Hữu (Topica Garden); Khu nhà ở Hào Khang (Mega Ruby) do Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền làm chủ đầu tư…

Vì sao Bộ Xây dựng không công khai kết quả thanh tra?

Mặc dù công khai kế hoạch thanh tra, danh sách các doanh nghiệp, các dự án thuộc diện thanh tra, thế nhưng hết năm 2018, Bộ Xây dựng không tiến hành công bố, công khai kết quả thanh tra để người dân được biết.

Trước đó, thời điểm Bộ Xây dựng đưa ra danh sách các dự án nằm trong diện thanh tra, không ít các doanh nghiệp BĐS lao đao vì bị khách hàng gọi điện liên tục do lo sợ doanh nghiệp dính sai phạm dù ngay cả Bộ Xây dựng cũng lên tiếng việc thanh tra chỉ là việc làm thường niên.

Theo thông tin trên Vietnamnet, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 93 đoàn thanh tra, đạt 108% so với kế hoạch năm. Ban hành 72 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 927,5 tỷ đồng. Ban hành 131 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung 24,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết thúc kế hoạch thanh tra năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý hành chính đối với 155 tập thể và 235 cá nhân. Đến 2/1/2019, các đơn vị đã tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với 87 tập thể; không xem xét khen thưởng, kỷ luật, điều chuyển vị trí công tác với 56 cá nhân có vi phạm theo kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, cả năm 2018, Bộ Xây dựng không hề đưa kết luận thanh tra nào lên website của bộ hay cung cấp thông tin cho báo chí.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, các kết luận thanh tra đều được công khai theo quy định của Luật Thanh tra. Cụ thể, Bộ Xây dựng lựa chọn hình thức công bố tại cơ quan tiến hành thanh tra thay vì công bố trên website hay báo chí.

Trong khi đó, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, việc thanh tra các doanh nghiệp bất động sản hằng năm là việc làm cần thiết, để nắm được những ưu điểm khuyết điểm của quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, không được lợi dụng việc thanh tra để quấy nhiễu doanh nghiệp.

Việc Bộ Xây dựng lựa chọn hình thức công bố tại cơ quan tiến hành thanh tra thay vì công bố trên website hay báo chí, ông Võ cho rằng mặc dù Bộ đã làm đúng luật, nhưng như vậy là chưa thỏa đáng về yêu cầu công khai minh bạch.

Đầu năm 2019, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 của Thanh tra Bộ. Theo kế hoạch này, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản… phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân và xử lý đơn thư.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn như MBLand, Mipec, Lạc Hồng, LDG, Sacomreal… sẽ được thanh tra về hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại các dự án đã và đang triển khai.

Hải Lan

Theo KD&PL

Từ khóa: