Sự kiện hot
3 năm trước

Lối mở cho cuộc chiến vương quyền tại Eximbank

Với nhiều bất đồng giữa các nhóm cổ đông bắt nguồn từ năm 2015, "cuộc chiến vương quyền" tại Eximbank mãi vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, một số diễn biến mới gần đây dường như đang tạo ra lối mở cho những câu hỏi chưa có hồi kết.

Những dấu hỏi trước đại hội bất thường của Eximbank? - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 ngày 26/4 của Eximbank tổ chức bất thành. (Ảnh: Lê Huy).

Liên tục tổ chức đại hội cổ đông rồi liên tục bất thành, những vấn đề nội tại của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) kéo dài nhiều năm vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi. Những bất đồng quan điểm, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn khiến cho các cổ đông nhỏ lẻ phải kêu trời.

Tới đây, Eximbank dự kiến tổ chức một cuộc họp đại hội cổ đông bất thường theo văn bản kiến nghị, yêu cầu triệu tập họp của nhóm cổ đông ngày 12/3/2021. Danh sách cổ đông có quyền tham dự vào ngày 14/5 và hiện ngân hàng vẫn chưa công bố thời gian và địa điểm cụ thể. 

Những câu hỏi được đặt ra liệu có được trả lời trong đại hội sắp tới khi dường như đang có một sự chuyển biến lớn đằng sau những gì diễn ra tại Eximbank trong thời gian gần đây.

Lối mở cho cuộc chiến vương quyền tại Eximbank - Ảnh 2.

Từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu EIB bỗng "dậy sóng", tăng từ mức 20.100 đồng/cp lên 26.050 đồng/cp (kết ngày 21/5), tức tăng gần 30%, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt hơn 1 triệu đơn vị. Con số này thậm chí còn lớn hơn trên thị trường thỏa thuận, với hàng triệu cổ phiếu được trao tay mỗi phiên.

Đáng nói, giá cổ phiếu của Eximbank tăng vọt trong bối cảnh xung đột giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa được giải quyết, kết quả kinh doanh trồi sụt... khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi cổ phiếu EIB đang có "game"?

Những dấu hỏi trước đại hội bất thường của Eximbank? - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây. (Ảnh: TradingView).

Cũng phải nói thêm rằng, cơ cấu cổ đông của Eximbank là tương đối cô đặc. Theo biên bản họp đại hội ngày 26/4, số cổ đông tham dự đại hội là 96 cổ đông, tuy nhiên đã đại diện 94,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.

Hiện tại, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 15%. 

Trong ban lãnh đạo của ngân hàng, bà Lương Thị Cẩm Tú là người sở hữu nhiều cổ phần nhất với gần 13,8 triệu đơn vị. Các lãnh đạo khác không cầm nhiều hơn 152.000 cp.

Cơ cấu cổ đông ngân hàng còn có hai nhóm cổ đông đòi miên nhiệm các thành viên HĐQT như đã nhắc ở trên gồm nhóm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân (sở hữu 10,3%); nhóm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited và Education Management Holdings Limited (sở hữu 11,2%).

Ngoài ra, Vietcombank và Quỹ VOF cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng.

Những dấu hỏi trước đại hội bất thường của Eximbank? - Ảnh 5.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Lối mở cho cuộc chiến vương quyền tại Eximbank - Ảnh 5.

Đầu tư vào Eximbank từ năm 2007, ngân hàng Nhật Bản SMBC đã trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank khi chi ra 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần.

Vào thời điểm đó, Eximbank từng là những ngân hàng tư nhân top đầu trong ngành vượt trội hơn những cái tên như HDBank, VPBank, SHB... Thế nhưng, giá cổ phiếu EIB ngụp lặn trong suốt quảng thời gian hợp tác với cổ đông Nhật Bản đến nay, có thời điểm còn xuống dưới mệnh giá. Không những vậy, từ năm 2013 đến nay, cổ đông Eximbank đã không được nhận cổ tức.

Xét trên góc độ đầu tư, có thể nói đây là một khoản đầu tư kém hiệu quả khi sau hơn 10 năm, với hơn 185 triệu cổ phần EIB hiện nắm trong tay, phải tới ngày cuối quý I/2021 SMBC mới hòa vốn.

Không những vậy, dù sở hữu 15% cổ phần, nhưng dường như tiếng nói SMBC không còn sức ảnh hưởng tại ngân hàng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 ngày 27/4/2021, SMBC đã không cử người tham dự. 

Ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và từng là đại diện vốn của SMBC, cho biết bên lề cuộc họp rằng ông không còn làm việc tại SMBC và ông có mặt tại đại hội với vai trò là đại diện cho một nhóm nhà đầu tư trong nước theo tư cách cá nhân.

Một động thái đáng nói của SMBC trong thời gian gần đây là thương vụ mua 49% vốn của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của VPBank. Thông tin đồn đoán trên thị trường cho rằng ngân hàng Nhật Bản này không chỉ muốn sở hữu vốn tại FE Credit mà còn mong muốn đầu tư vào VPBank.

Tại đại hội cổ đông, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Trí Dũng cũng cho biết ngân hàng đang lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, có thể thực hiện cuối năm nay. Mới đây, VPBank cũng đã khoá room ngoại ở mức 15%, như vậy phần room còn lại cho các nhà đầu tư mới là 15%.

Tuy nhiên, nếu SMBC thực sự muốn bắt tay với VPBank thì ngân hàng ngoại này cũng phải thoái vốn tại Eximbank bởi vì theo quy định về việc góp vốn vào các TCTD, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.

Lối mở cho cuộc chiến vương quyền tại Eximbank - Ảnh 7.

Cho tới hiện tại, cuộc chiến vương quyền kéo dài nhiều năm tại Eximbank vẫn chưa đến hồi kết. Tuy nhiên, nếu SMBC rút khỏi Eximbank thì đây có thể sẽ là lối mở cho những "bế tắc" trong hai năm trở lại đây.

Vấn đề tranh chấp giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank thực tế đã diễn ra từ năm 2015, sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng quyết định rút lui. Theo đó, các nhóm cổ đông đã không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề lựa chọn thêm người vào quản trị, khiến nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần.

Từ 2016 - 2018, các kỳ họp đại hội tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi những ồn ào trong việc bầu nhân sự cấp cao tiếp diễn, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện, bộ máy lãnh đạo cắt giảm hàng loạt...

Đến tháng 3/2019, căng thẳng leo thang khi Eximbank bất ngờ đưa ra nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3 và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) thay thế.

Tuy nhiên, quyết định này vừa có hiệu lực đã bị tòa án TP HCM đề nghị ngừng sau khi ông Quốc khởi kiện. Ông Quốc khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank, quyết định bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông là "không có giá trị pháp lý".

Đến tháng 5/2019, ông Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT với lý do "theo nguyện vọng cá nhân" và tiếp tục giữ chức vụ Thành viên HĐQT tại ngân hàng.

Cũng tại thời điểm nay, Eximbank thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020; nhưng chỉ trong vòng một năm, ghế chủ tịch lại được chuyển sang cho ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng.

Chỉ trong vòng có hơn một năm, "ghế nóng" của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và đến ông Yasuhiro Saitoh.

Tới hôm 13/4 vừa qua, trước thềm hai đại hội cổ đông, Eximbank lại có những nghị quyết xoay vòng khó hiểu khi trong một tiếng đã 3 lần đổi "ghế nóng", từ ông Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh.

Tiếp tục đến đại đại hội thường niên 2020 lần 3 hôm 26/4 mới đây, cuộc họp đã không thể diễn ra khi tỷ lệ số cổ phần các cổ đông tham dự chỉ đạt gần 42%, không đủ điều kiện tiến hành.

Trước đó vài ngày, Eximbank cho biết đã nhận được kiến nghị của hai nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm hàng loạt các thành viên HĐQT. 

Một nhóm cổ đông chiếm 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm còn lại sở hữu 11,2% tổng số cổ phần đề nghị miễn nhiệm ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Đến sáng ngày 27/4/221, Eximbank tiếp tục không thể tổ chức được đại hội thường niên 2021 khi không đủ túc số tham dự.

Hiện tại, HĐQT của Eximbank có 9 người bao gồm Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thông, Thành viên độc lập Lê Minh Quốc và các thành viên khác là ông Cao Xuân Ninh, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Những dấu hỏi trước đại hội bất thường của Eximbank? - Ảnh 2.

HĐQT Eximbank hiện tại. (Nguồn: BCTC Eximbank).

Sự tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông đã khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng trượt dài trong những năm qua.

Từng lãi hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, nằm trong những ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, đến năm 2015, khi sự tranh dành quyền lực giữa các nhóm cổ đông xảy ra, lợi nhuận ngân hàng tụt xuống còn hơn 60 tỷ đồng. Đến những năm sau đó, nhờ sự "ấm lên" của toàn ngành ngân hàng, lợi nhuận của Eximbank mới có sự hồi phục nhưng vẫn chưa thể quay lại như thời "vàng son".

Những dấu hỏi trước đại hội bất thường của Eximbank? - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp từ BCTC ngân hàng).

Cũng trong giai đoạn này, ngân hàng gần như không có phát triển tín dụng. Dư nợ cho vay khách hàng gần như đi ngang. Tổng tài sản của ngân hàng cũng trồi sụt qua các năm. Năm 2020, Eximbank là nhà băng duy nhất ghi nhận tổng tài sản và dư nợ cho vay tăng trưởng âm.

Mặt khác, trong giai đoạn này, ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu. Tính tới cuối quý I/2021, Eximbank đã xử lý xong hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,63%.

Lê Huy

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: