Tổng Công ty Viglacera (HoSE: VGC) cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tổng công ty trong tháng 2 ước đạt 131%, doanh thu hợp nhất ước đạt 108%, công nợ phải thu ngoài kế hoạch ước đạt 91% và giá trị tồn kho ước đạt 100%.
Theo đó, lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 67% kế hoạch quý I/2023.
Trong đó doanh thu từ công tác xuất khẩu đạt 5,5 triệu USD và vượt 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty tăng 128% so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương 14% kế hoạch cả năm.
Chia sẻ thêm thông tin về triển vọng thị trường xuất khẩu, ông Ranko Lukić - Giám đốc Ban Thương mại Tổng Công ty Viglacera cho biết, thị trường quốc tế đang có dấu hiệu ấm lên với các đơn hàng từ các khách hàng tại Mỹ và châu Âu.
Được biết, ông Ranko Lukić là nhân sự nước ngoài mới được Tổng Công ty Viglacera bổ nhiệm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm sứ vệ sinh, sen vòi sang các thị trường Mỹ và châu Âu với mục tiêu doanh số đạt 3 triệu USD. Trong cả năm 2024, Tổng Công ty Viglacera đặt mục tiêu doanh số xuất khẩu ở mức 63 triệu USD.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho mảng thiết bị vệ sinh của Tổng Công ty Viglacera trong bối cảnh thị trường nội địa chịu sự cạnh tranh gay gắt. Dữ liệu của hãng chứng khoán Vietcap cho thấy, 40% thị phần mảng thiết bị vệ sinh tại Việt Nam hiện thuộc về hàng nhập khẩu với các thương hiệu lớn như Toto, Kohler và American Standard.
Ngoài ra, khoảng 45% thị trường thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như Inax và Caesar. Trong bối cảnh cạnh tranh này, Tổng Công ty Viglacera vẫn cố gắng duy trì vị thế đáng chú ý, chiếm khoảng 10% thị phần.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, công ty sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu công nghệ đối với loạt sản phẩm mới như Đá nung kết, Kính siêu trắng hay những sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh như Sứ vệ sinh, Gạch ốp lát… nhằm tạo ưu thế để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về mảng bất động sản, VGC cho biết trong tháng 3, các doanh nghiệp bất động sản dồn lực lượng, nguồn lực để triển khai kế hoạch chuẩn bị đầu tư các dự án mới; đẩy mạnh tiến độ kinh doanh khu nhà ở công nhân - nhà ở xã hội đã hoàn thành; triển khai mô hình khu công nghiệp xanh - thông minh; đồng thời tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng quản lý vận hành các khu công nghiệp - khu đô thị hiện có.
VGC đang có kế hoạch đầu tư 50,000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2022-2030 thông qua các dự án cụ thể như: dự án nhà ở công nhân tại KCN Đồng Văn IV, dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh, hoặc thông qua tham gia đấu thầu các dự án mới tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội.
Bên cạnh đó, VGC cho biết sẽ tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án khu công nghiệp như: Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài việc triển khai thi công các dự án sau dịp Tết, các đơn vị sẽ xúc tiến các bước tìm kiếm các dự án mới, chuẩn bị nguồn đất khu công nghiệp và các dự án nhà ở đáp ứng theo định hướng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024.
Tình hình kinh tế thế giới năm 2024 sẽ dần hồi phục nhưng với tốc độ chậm, đặc biệt sẽ khó khăn trong nửa đầu năm. Do đó, Công ty sẽ tập trung khắc phục vấn đề còn tồn tại trong năm 2023, đồng thời đẩy mạnh triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định của Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ.
Ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera thống nhất chung quan điểm tập trung giảm hàng tồn kho nhằm tạo điểm tựa cho thúc đẩy sản xuất, tiếp tục nâng cao hiệu quả các công đoạn bán hàng nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận tối đa chuỗi sản phẩm của công ty.
Tiến Hoàng/KTĐU