Mức lợi nhuận cao trong ba quý đầu năm của nhiều ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn đã gây ra bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp. Phải chăng ngân hàng ung dung hưởng lợi nhuận trên lưng các doanh nghiệp? Cần những phân tích thấu đáo.
Mức lợi nhuận cao trong ba quý đầu năm của nhiều ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn đã gây ra bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp. Phải chăng ngân hàng ung dung hưởng lợi nhuận trên lưng các doanh nghiệp? Cần những phân tích thấu đáo.
Hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận của ngân hàng được sinh sôi trên một lượng vốn rất lớn, mạng lưới rộng khắp và một tổng tài sản khổng lồ (vài chục ngàn đến vài trăm ngàn tỉ đồng) của mỗi ngân hàng.
Ngân hàng chịu tác động rất mạnh bởi chính sách tiền tệ thường xuyên thay đổi, khiến nhà đầu tư e ngại.
Tỷ suất lợi nhuận thấp
So sánh với các doanh nghiệp đang niêm yết trên HSX và HNX, mức vốn hoá bình quân của chín ngân hàng niêm yết là 16.686 tỉ đồng, trong khi bình quân của toàn bộ các doanh nghiệp tại HSX chỉ là 1.445 tỉ đồng, tại HNX là chưa đến 300 tỉ đồng.
Theo thống kê của StoxPlus, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của khối ngân hàng chỉ là 1,4%, xếp vào hàng cuối bảng so với các ngành, lĩnh vực khác như hàng tiêu dùng là 18,3%; công nghệ thông tin là 9,7%; tiện ích cộng đồng là 7,6%; công nghiệp và dầu khí trên 6%; tài chính 5,3%... và thấp hơn nhiều so với ROA bình quân của HSX là 9,7% và của HNX là 4,3%.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn góp của cổ đông (ROE) của khối ngân hàng là 19,5%, cao hơn ROE bình quân của HNX là 14,3%, nhưng thấp hơn bình quân của HSX là 22,1% và thấp hơn so với các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, dầu khí... Riêng về tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của khối ngân hàng ở nhóm đầu bảng (trên 34%), trong khi lĩnh vực tiện ích cộng đồng, hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, tài chính (bình quân của HSX và HNX lần lượt là 31,5% và 17,6%).
Đó là chưa kể, nhiều phân tích cũng đã đề cập, mức lợi nhuận của các ngân hàng cũng đang phải cõng trên nó không ít rủi ro, điển hình là nợ xấu cao và tăng.
Xét ở góc độ kinh doanh, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo các đơn vị này cũng phải chịu sức ép của các cổ đông, nên luôn phải vắt óc để tối ưu hoá lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm của một số ngân hàng mới công bố như Vietinbank, Vietcombank, Eximbank, Sacombank, Techcombank... cho thấy lợi nhuận thấp nhất trên 1.500 tỉ đồng, cao nhất trên 4.000 tỉ đồng/ngân hàng khiến không ít người giật mình. Bởi theo thống kê của Stox Plus trên các doanh nghiệp niêm yết, ngoại trừ khối ngân hàng, thì số doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế hàng ngàn tỉ đồng sau chín tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay: VNM là 3.176,1 tỉ đồng; DPM 2.291,7 tỉ đồng; FPT 1.508,9 tỉ đồng; MSN 1.371,5 tỉ đồng; HPG 1.140,6 tỉ đồng.
Do ngân hàng Nhà nước nâng đỡ?
Vấn đề đặt ra, ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xây dựng hệ thống chính sách nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh, điều chỉnh hành vi kinh doanh sao cho hài hoà lợi ích trong nền kinh tế, giữa các ngân hàng với doanh nghiệp và giữa chính các ngân hàng với nhau.
Suốt từ đầu năm 2011 đến nay, chính sách tiền tệ luôn được định hướng thắt chặt để chống lạm phát. Nhưng công cụ lãi suất đã bị NHNN sử dụng nửa vời, nghĩa là khống chế đầu vào dưới 14%, nhưng lại để mở đầu ra, hẳn rằng cơ quan quản lý này kỳ vọng các ngân hàng thương mại cũng sẽ tự nguyện cho vay vốn lãi suất thấp.
Hệ luỵ đã quá rõ: người dân không mặn mà với việc gửi tiết kiệm, thậm chí có thời điểm ồ ạt rút tiền tích trữ vàng, ngoại tệ, khiến không ít ngân hàng rơi vào tình cảnh khó khăn về thanh khoản, phải tìm đủ cách lách luật. Mặt khác, các ngân hàng thả sức cho vay doanh nghiệp với lãi suất trung bình 22 – 23%/năm, chênh lệch so với lãi suất huy động trên sổ sách tới 6 – 7% (xấp xỉ 50%). Thậm chí, các ngân hàng lớn cũng không bỏ lỡ cơ hội “chặt chém” ngân hàng nhỏ khi đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, có giao dịch ngắn hạn phải chịu lãi suất tới 30 – 40%/năm.
Cuối cùng thì lạm phát cả năm vẫn xấp xỉ 20%; doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất “ngất ngưởng”, còn các ngân hàng thương mại được “nâng đỡ”, tạo điều kiện để có cơ hội thu lợi nhuận cao.
Cần nhớ hồi năm 2008, NHNN quy định lãi suất huy động và cho vay vốn không được vượt 150% lãi suất cơ bản – được NHNN công bố trong từng thời điểm. Thời điểm đó, các ngân hàng đều đồng loạt treo biển cho vay 15 – 16%/năm, nhưng lại ra sức thu phí dưới gầm bàn, tương tự như cách bán ngoại tệ cho doanh nghiệp hiện nay, làm gia tăng phí tổn xã hội và giảm hiệu lực pháp luật.
Xuân Thu
Theo SGTT