Sự kiện hot
7 tháng trước

Long An: Nhiều tín hiệu tích cực trong việc đưa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử

Đến nay, tỉnh Long An hiện có 51 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên các sàn thương mại điện tử. Sở Công Thương tỉnh Long An đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp đưa sản phẩm của địa phương lên 6 sàn thương mại diện tử lớn trong nước và 6 doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử xuất khẩu của Alibaba.

Với mong muốn thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của địa phương, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, tỉnh Long An cũng đề ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ các hộ sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp mở cửa hàng trên sàn thương mại điện tử.

Sàn thương mại điện tử của tỉnh Long An (ảnh Cổng thông tin ĐT tỉnh Long An).

Sàn thương mại điện tử của tỉnh Long An (ảnh Cổng thông tin ĐT tỉnh Long An).

Từ đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã hay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP... cũng như góp phần quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội cho các đơn vị với chuỗi sản xuất và chế biến theo hướng chuyên nghiệp tìm được những thị trường lớn, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác tiềm năng.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Long An hiện địa phương có tới 51 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên các sàn TMĐT. Sở này cũng đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp trong tỉnh đưa sản phẩm địa phương lên 6 sàn TMĐT lớn trong nước là Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Voso và Postmart và hỗ trợ 6 doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT xuất khẩu Alibaba.

Việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử góp phần thúc đẩy trao đổi hàng hóa của địa phương (ảnh Minh Thư).

Việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử góp phần thúc đẩy trao đổi hàng hóa của địa phương (ảnh Minh Thư).

Không những vậy, Sở Công Thương tỉnh Long An còn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP địa phương qua nhóm Zalo, Facebook; xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh (đã có 16 DN tham gia truy xuất với 45 sản phẩm); phối hợp các cơ quan của Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động thương mại; xúc tiến xuất khẩu qua TMĐT... cho các DN, HTX trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 24 DN, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến (xây dựng website, fanpage, landing page, email...) để quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng phối hợp Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, DN... quảng bá hình ảnh, phát triển sản phẩm và nhận diện thương hiệu trên sàn TMĐT (https://postmart.vn, https://voso.vn). Đến nay, có 63.244 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn TMĐT này với 7.653 sản phẩm được đăng ký.

Các sản phẩm của tỉnh Long An trên sàn thương mại điện tử Postmart (ảnh Cổng thông tin ĐT tỉnh Long An).

Các sản phẩm của tỉnh Long An trên sàn thương mại điện tử Postmart (ảnh Cổng thông tin ĐT tỉnh Long An).

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới UBND tỉnh Long An tiếp tục xác định mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch TMĐT, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Nâng cao công tác hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT, thúc đẩy tiêu thụ nhanh nông sản khi vào vụ cao điểm thu hoạch, giúp nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào trung gian.

Thanh Phong - Nguyễn Khôi/ VP ĐBSCL

Theo KT&ĐU

Từ khóa: