Chỉ với vài mánh lới lừa đảo đơn giản, rất nhiều người đã mất tiền oan vì mua hàng qua mạng, trong khi pháp luật quy định về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ rơi.
Chỉ với vài mánh lới lừa đảo đơn giản, rất nhiều người đã mất tiền oan vì mua hàng qua mạng, trong khi pháp luật quy định về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ rơi.
Ảnh minh họa
Số 700 Lạc Long Quân được trang web didongsaigon.net giới thiệu là địa chỉ giao dịch, nhưng thực tế đây là cửa hàng bán trái cây - Ảnh: D.Tuấn
Không chỉ tự lập trang web riêng, hình thức bán hàng qua mạng còn nở rộ với việc người kinh doanh sử dụng các website để biến tướng thành bán hàng đa cấp.
Đủ chiêu trò, biến tướng
Chị Dương Thị Ngọc Giàu (Tân Châu, An Giang) vẫn chưa hết bực tức khi kể về vụ lừa đảo trắng trợn mà chị gặp phải. Đầu năm mới, thấy các mặt hàng điện thoại trên website giảm giá tới 50%, chị liền chọn mua chiếc Nokia X6.
Sau khi chọn được mặt hàng ưng ý, chị gọi vào số điện thoại hiển trị trên trang web thì được người đàn ông tên Khoa hướng dẫn: “Cứ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng trước, hàng đang về, ngay ngày mai sẽ có nhân viên đem hàng đến tận nhà cho chị”. Sau hai ngày gửi tiền mà hàng vẫn bặt tăm, chị Giàu liên lạc với Khoa để hỏi thì nhận được câu trả lời: “Khoa đang đi công tác”.
Sau nhiều lần hứa hẹn, chị Giàu bức xúc với một người bán hàng của website này: “Sao giống lừa gạt quá vậy?!”. Chị nhận được lời đáp trả: “Không phải lừa gạt mà là lừa đảo đó”.
Chị liền gọi điện tới Ngân hàng Vietcombank yêu cầu phong tỏa tài khoản thì được đề nghị trình báo với công an, nhưng thấy mọi việc phức tạp chị đành cho qua. Đến ngày 17-2, website này vẫn hoạt động bình thường. Đáng nói việc website này quảng cáo giảm giá 50% đều là hàng chính hãng, hàng xách tay, nhưng thực chất là hàng Trung Quốc chứ không phải hàng gia công. Các công cụ hỗ trợ mua hàng trên website này khá sơ sài.
Không như chị Giàu, anh Tú (Tây Hồ, Hà Nội) - một người thường xuyên bán hàng qua mạng - cũng bị lừa một cách tinh vi. Sau khi dạo một vòng quanh các trang bán hàng điện tử, anh Tú quyết định mua chiếc Ipad 32Gb đã qua sử dụng với giá 11 triệu đồng của một người bán tên Long tại TP.HCM.
Sau khi liên lạc qua điện thoại, được người bán cung cấp địa chỉ, số điện thoại công ty, nhà riêng và nhiều thông tin cá nhân rồi khẳng định chắc nịch: “Anh chỉ cần đặt cọc trước 5 triệu đồng, sau khi nhận được tiền em sẽ gửi hàng ngay lập tức”.
Tin vào bạn hàng, anh Tú nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản, nhưng sau đó điện thoại tắt, gọi điện đến công ty của bạn hàng thì không ai biết, gọi tới nhà thì hoàn toàn bặt vô âm tín. Biết mình bị lừa, anh đành ấm ức mất luôn 5 triệu đồng.
Tinh vi hơn, gần đây hàng loạt website sử dụng chiêu bài “phát triển thương mại điện tử” để biến tướng thành bán hàng đa cấp. Những website này được lập ra để bán hàng hóa nhưng các lệnh mua bán lại rất ít, thậm chí không có sự đầu tư cho các công cụ hỗ trợ mua bán, thay vào đó lại bán gian hàng ảo cho mọi người muốn tham gia thành cộng tác viên của website.
Ông Nguyễn Nam Vinh, chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, cho biết hằng năm nơi này nhận khá nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua bán qua mạng với đủ trường hợp từ mua hàng kém chất lượng, hàng dỏm, hay mất tiền mà không có hàng...
Ông Vinh cho rằng người tiêu dùng tìm đến hội thường là “đường cùng” vì họ không biết cậy nhờ ai, vì với điều kiện pháp luật hiện nay khi người tiêu dùng thực hiện các giao dịch qua mạng không được bảo vệ đến cùng.
Chờ quy định mới
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng không còn mới, các đối tượng này vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, để truy tố các đối tượng này không hề dễ, vì chủ yếu là giao dịch qua mạng nên chứng cứ rất khó chứng minh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có tâm lý “bỏ qua” do luật chưa rõ ràng và cũng không biết phải cậy vào đâu.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết mặc dù sở có phòng quản lý thương mại điện tử nhưng chức năng của phòng này hiện nay chủ yếu thúc đẩy phát triển, quảng bá thương mại điện tử chứ không thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Lý do: các website kinh doanh, mua bán khi ra đời không đăng ký với sở nên không có danh sách để kiểm tra. Chỉ khi có phản ảnh của người dân, phòng thanh tra sở mới vào cuộc nhưng chỉ dừng ở mức độ kiểm tra thông tin trên website như nội dung khuyến mãi, mức giảm giá...
Ông Trương Hồng Quang (Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp) cho biết thêm: hiện nay pháp luật về thương mại điện tử còn nhiều khoảng trống, theo đó thông tư số 46 năm 2010 của Bộ Công thương đã có những quy định trách nhiệm của các thương nhân tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trong đó có quy định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng thông qua hợp đồng thỏa thuận. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, thông tư này lại không khẳng định chủ website phải chịu trách nhiệm hay không.
Trong khi đó, đối với các website mua bán, rao vặt miễn phí thì trách nhiệm của chủ website còn bị bỏ ngỏ hơn. Dù trong nội quy của các diễn đàn, website này đều có quy định dành cho người rao, đăng tin không được bán hàng giả, trái phép, kém chất lượng... nhưng thực chất chủ website không kiểm soát được thông tin thật sự về chất lượng hàng hóa được đưa lên. Do đó, vẫn chưa có cơ chế để áp đặt trách nhiệm bồi thường đối với các chủ thể trong trường hợp này.
Thậm chí các thông tin về người rao hàng cũng không được kiểm định nên thường là thông tin ảo, khách hàng dễ bị lừa bịp. Theo đại diện Sở Công thương, hiện Bộ Công thương đang soạn dự thảo thông tư hướng dẫn thay thế thông tư cũ nhằm hoàn thiện các quy chế, tăng cường quản lý hoạt động bán hàng qua mạng và sớm ban hành trong thời gian tới.
Lừa mua vé máy bay giả
Ông L. - giám đốc Công ty TNHH HPL (Q.1, TP.HCM), là đại lý vé máy bay cấp 1 cho một số hãng hàng không nội địa - cho biết hiện đang bị đối tác chiếm dụng hơn 125 triệu đồng tiền bán vé máy bay cũng chỉ vì giao dịch qua mạng.
Ông cho biết trước Tết Nguyên đán, qua email công ty nhận được hợp đồng hợp tác kinh doanh (thực chất là mua lại vé máy bay của Công ty HPL) do ông Đ.B.Đ., giám đốc Công ty VTN (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình), ký. Ông L. cho biết đã cẩn thận tìm hiểu trên website của Sở KH-ĐT TP.HCM về thông tin Công ty VTN thấy đăng ký kinh doanh ngành nghề hợp pháp (đại lý vé máy bay, đại lý du lịch, điều hành tour du lịch, giao dịch thương mại...), với vốn đăng ký 1 tỉ đồng nên đồng ý hợp tác. Lần giao dịch đầu tiên hai bên trao đổi một lượng vé máy bay nhất định. Công nợ đầu tiên trị giá 27 triệu đồng đã được VTN hoàn trả đầy đủ, đúng thời gian.
Sau đó, VTN qua email, chat trên mạng Internet với nhân viên Công ty HPL đã đặt mua thêm rất nhiều vé máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Air Mekong với tổng giá trị hơn 125 triệu đồng. Đến nay số tiền vé máy bay hơn 125 triệu đồng đã không được VTN hoàn trả. Ông L. gọi điện thoại, email, chat... nhưng không được trả lời, nhân viên công ty ông L. dùng điện thoại khác gọi đặt mua vé vẫn được tư vấn nhưng nhắc đến công nợ của HPL thì đầu dây cúp máy.
Ông L. tìm đến địa chỉ đã được đăng ký trên giấy phép kinh doanh thì được biết trước đây có công ty thuê làm đại lý vé máy bay nhưng đã trả lại mặt bằng, còn công ty đang kinh doanh vé máy bay ở địa chỉ này có giấy phép kinh doanh với tên khác. Hiện ông L. đã làm đơn kiện gửi công an sở tại.
Lê Nam
|
Dũng Tuấn - Như Bình
Theo Tuoi tre