Sự kiện hot
13 năm trước

Lúng túng quản lý chất lượng xăng, dầu

Xử phạt quá nhẹ, quy định chưa chặt chẽ, việc quản lý các khâu trong quá trình phân phối quá lỏng lẻo là nguyên nhân nảy sinh hàng loạt vụ vi phạm chất lượng xăng dầu.

Xử phạt quá nhẹ, quy định chưa chặt chẽ, việc quản lý các khâu trong quá trình phân phối quá lỏng lẻo là nguyên nhân nảy sinh hàng loạt vụ vi phạm chất lượng xăng dầu.  

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương với đại diện các doanh nghiệp xăng dầu về việc quản lý chất lượng xăng dầu, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),  một đơn vị vừa bị phát hiện có vụ gian lận, cho rằng, việc quản lý chất lượng xăng dầu là đề tài nóng, và đúng là chất lượng xăng dầu hiện có vấn đề.

Đầu mối vô tội!

Theo Petrolimex, về cơ bản, khi xăng, dầu nằm trong hệ thống đại lý của các đầu mối thì được quản lý rất tốt, không phát hiện có vi phạm, mà vi phạm chủ yếu phát hiện tại các cửa hàng xăng dầu thuộc các đại lý đầu mối. “Xăng dầu ở kho, tàu bè của các đầu mối đều đảm bảo chất lượng. Kết quả kiểm tra chất lượng xăng dầu hàng năm do đoàn kiểm tra của Bộ tiến hành không phát hiện vi phạm”, vị này khẳng định.

Lúng túng trong việc quản lý chất lượng tạo điều kiện cho gian lận xăng, dầu lộng hành. Ảnh: Lê Quân.

Hiện Petrolimex có trên 3.000 đại lý, chiếm khoảng 75% thị phần. 11 doanh nghiệp đầu mối khác chiếm 25% còn lại. Vị đại diện Petrolimex còn cho hay, tập đoàn này có 6.236 cửa hàng bán xăng dầu trên toàn quốc, trong đó số cửa hàng do tập đoàn xây dựng và vận hành hoạt động là 2.113 cửa hàng. Còn lại là thuộc các tổng đại lý, đại lý. Các đại lý trực tiếp có hơn 2.630 đơn vị. “Các đơn vị đều có hệ thống quản lý của mình, nhưng chúng tôi cho rằng còn nhiều vấn đề. Gần đây dư luận nghi ngờ chất lượng xăng của chúng tôi, nhưng trong hệ thống của chúng tôi có gần 30 phòng, ban thí nghiệm. Riêng chi phí quản lý chất lượng xăng dầu đã rất lớn. Tập đoàn cũng có trên một chục văn bản chỉ đạo liên tục các năm về kiểm tra lấy mẫu trước khi có những thông tin về việc cháy xe”, đại diện này phân trần.

Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), cũng cho rằng khâu quản lý chất lượng xăng tại các doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn yên tâm. Gian lận trong chất lượng xăng dầu có thể xuất phát ở khâu vận chuyển từ kho của các doanh nghiệp đầu mối đến các tổng đại lý, đại lý.

Lỗi tại hóa chất pha trộn rẻ!

Theo các doanh nghiệp đầu mối, thực tế, vì lợi nhuận, có đại lý xăng dầu đã nhập hàng từ nhiều tổng đại lý, hoặc làm biến dạng chất lượng xăng. “Trong những thời điểm khó khăn, đại lý phải tìm cách để tồn tại trước. Và để tồn tại, họ phải tìm cách để duy trì bằng cách gian lận số lượng hoặc chất lượng”, ông Trình nói.

Đại diện Petec phân tích, quản lý chất lượng gồm 3 khâu. Đầu mối có 12 quản lý nhà nước, hoàn toàn yên tâm. Khâu 1 là tồn chứa ở kho, kho của các đầu mối. Khâu 2 là vận chuyển từ kho đến đại lý. Trong quá trình vận chuyển từ kho đến người tiêu dùng, trên đường đi có thể làm biến dạng về chất lượng và cần tăng cường quản lý ở khâu này. Khâu cuối cùng có 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó 10.000 của tư nhân đang làm tổng đại lý. Quản lý 10.000 cửa hàng là khó, dù đã có quy định rõ.

Petrolimex còn nêu quan điểm, Nghị định 84 quy định mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối, nhưng hiện nay, họ vẫn tìm cách ký với nhiều đơn vị, và thực sự không thể kiểm soát được. Xăng dầu nằm trong kho của đại lý thì không thể phân định là xăng dầu của đầu mối nào để xử lý. Hơn nữa, dù phát hiện được thì cũng chưa có chế tài xử. 

Ngoài ra, hình thức xử lý khi phát hiện sai phạm ở đầu mối vẫn còn quá nhẹ. Theo quy định, hình thức xử phạt cao nhất mà doanh nghiệp đầu mối được áp dụng khi phát hiện sai phạm là chấm dứt hợp đồng mà không có quyền xử phạt. Điều này chẳng mấy gây khó cho đại lý, bởi họ nhanh chóng ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Trong khi đó, các hóa chất có thể pha trộn vào xăng dầu hiện đều có giá rẻ, được bán tràn lan trên thị trường. “Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đại lý pha tạp chất vào xăng để hưởng lợi”, đại diện Saigon Petro nghi ngờ.

Tiêu thụ xăng dầu nội địa của các doanh nghiệp đầu mối năm 2011 là 15,56 triệu m3. Petrolimex chiếm tỷ lệ cao nhất là 49,6%. Đứng thứ hai là PV Oil với 16,4%... Tổng công ty Hàng hải VN chiếm tỷ lệ thấp nhất là 0,3%.


Theo Dat Viet


Từ khóa: