Sự kiện hot
13 năm trước

Lương NN: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Tiền lương phải trở thành thu nhập chính, là động lực đối với người lao động và là điều kiện để doanh nghiệp được bình đẳng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp.

Tiền lương phải trở thành thu nhập chính, là động lực đối với người lao động và là điều kiện để doanh nghiệp được bình đẳng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp.

Đó chính là hướng cải cách chính sách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh giai đoạn 2012 - 2020. Còn hiện tại, trong khu vực DN nhà nước (DNNN) đang xuất hiện sự chênh lệch tiền lương lớn giữa DN có lợi thế và không có lợi thế, khiến quan hệ tiền lương trong khu vực này càng trở nên méo mó.

Những doanh nghiệp “hạng đặc biệt”

Hiện nay, cơ chế tiền lương trong DNNN được xác định theo tổng quỹ lương chung sau đó chi trả bình quân theo từng người, tính dựa trên các thông số như lao động, hệ số lương, hệ số điều chỉnh tăng thêm, đơn giá tiền lương… Tuy nhiên, các tiêu chí quản lý tiền lương gắn với nộp ngân sách, lợi nhuận và năng suất lao động chưa phản ánh hết hiệu quả kinh doanh và sử dụng vốn; chưa phân loại được hiệu quả thực sự trong mối tương quan giữa các DN, nhất là DN cùng ngành nghề, dẫn đến DN trong cùng ngành nghề hạch toán chi phí tiền lương rất khác nhau. Mặt khác, các chuyên gia về tiền lương còn cho rằng các tiêu chí quản lý chưa phân biệt giữa DN có lợi thế (như ngân hàng, dầu khí, hàng không...) và DN không có lợi thế (như dệt may, giày da, lâm nghiệp, cà phê...) đang diễn ra trong thực tế.

Điều này dẫn đến có 2 xu hướng: DN lợi thế thì áp dụng hệ số điều chỉnh tối đa, hoặc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn so với khả nằng thực tế, định mức lao động cao, nâng hệ số cấp bậc công việc, đẩy tiền lương cao, bình quân 9 - 10 triệu đồng/tháng, gấp 2 - 3 lần bình quân chung. Ngược lại, DN khó khăn thì xuất hiện xu hướng ép tiền lương, thậm chí có mức lương thực tế thấp hơn mức lương theo thang, bảng lương. Thực tế này đã tạo chênh lệch tiền lương giữa các ngành và giữa các DN có xu hướng ngày càng tăng. Kết quả tổng hợp tình hình của 37 công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty “hạng đặc biệt” cho thấy, năm 2010 tiền lương của doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Tiền lương của nhóm doanh nghiệp  ngân hàng, tài chính đạt 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.

Tiền lương của nhóm doanh nghiệp ngành ngân hàng, tài chính đạt 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Ảnh minh họa: Như Ý.

“Trên” bảo “dưới” không nghe

Đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH đối với cơ chế trả lương trong DNNN đã nêu ra bất ổn: Chưa phân định rõ tiền lương và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên) với viên chức quản lý điệu hành (Ban giám đốc), trong đó Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên là người đại diện cho chủ sở hữu nhưng vẫn hưởng lương chung với Ban giám đốc và DN chi trả, làm giảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành DN.

Theo ông Lê Anh Cường, Giám đốc công ty Tư vấn Macconsult, cơ chế tiền lương của đội ngũ quản lý trong DNNN chưa thực sự gắn với hiệu quả kinh doanh, kết quả điều hành doanh nghiệp. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu DN chưa thường xuyên, nhất là khâu hậu kiểm. “Nếu có đánh giá, còn hết sức đơn giản, mang tính hình thức, dĩ hòa vi quý”, ông Cường nhận định.

Trên thực tế, quỹ tiền lương trong DNNN được xác định chung, do chủ sở hữu phê duyệt và giao cho doanh nghiệp chi trả dẫn đến chủ sở hữu không quản lý được tiền lương của từng người gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể từ năm 2008 trở lại đây DNNN có xu hướng đẩy tiền lương của viên chức quản lý lên cao hoặc nhập chung vào quỹ lương của người lao động để phân phối hoặc lấy thêm một phần từ quỹ lương theo đơn giá tiền lương, dẫn đến ở một số DN tiền lương của viên chức quản lý vượt quá quỹ tiền lương được chủ sở hữu phê duyệt, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, năm 2010, một số DN đã trả lương cho chủ tịch chuyên trách, tổng giám đốc 70 - 80 triệu đồng/tháng trong khi khung tối đa của nhà nước chỉ khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Theo Dat Viet

Từ khóa: