Sự kiện hot
5 năm trước

Lượng tiền gửi tại nhiều ngân hàng lớn sụt giảm

Kết thúc 3 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của hàng loạt ngân hàng lớn sụt giảm. Trong đó, MB là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất tới gần 12%, tương đương giảm 32.000 tỉ đồng.

Tiền gửi khách hàng của nhiều ngân hàng lớn sụt giảm - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vneconomy)

Tiền gửi khách hàng các ngân hàng niêm yết giảm hơn 25.100 tỉ đồng

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí I, tính đến ngày 31/3, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 27 ngân hàng trong nước đạt hơn 6,372 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 0,05% so với cuối năm 2019 và mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. 

Trong đó, tổng lượng tiền gửi khách hàng của các ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong quí I/2020 đã bị giảm gần 0,5%, tương đương 25.700 tỉ đồng so với cuối năm 2019.

Số liệu từ báo cáo tài chính quí I cho thấy có tới 7/27 ngân hàng sụt giảm tiền gửi khách hàng 3 tháng đầu năm, bao gồm cả những ngân hàng có qui mô lớn như BIDV, SCB, MB, Eximbank, TPBank,…

Trong đó, lượng tiền gửi khách hàng của MB giảm mạnh nhất từ 272.708 tỉ đồng xuống còn 240.737 tỉ đồng, giảm 11,72% tương đương khoảng 32.000 tỉ đồng. Lượng tiền gửi MB sụt giảm do nhóm khách hàng doanh nghiệp rút tiền mạnh.

Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng này giảm tới 24,5% xuống còn hơn 115.450 tỉ đồng; trong khi đó, tiền gửi của cá nhân vẫn tăng 4,6%. Xét về kì hạn, tiền gửi không kì hạn của MB giảm hơn 20.500 tỉ đồng, tương đương 22%; trong khi tiền gửi có kì hạn giảm 6.921 tỉ đồng, tương đương giảm 4%.

Lượng tiền gửi của Eximbank cũng ghi nhận giảm 7,3% trong quí I, từ 139.278 tỉ đồng xuống chỉ còn 129.108 tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi không kì hạn của Eximbank giảm 20% xuống gần 14.986 tỉ đồng, tiền gửi có kì hạn giảm 5,4% xuống gần 113.301 tỉ đồng.

Tại SCB, mặc dù lượng tiền gửi của cá nhân tiền vẫn tăng trưởng 1,3% lên 388.638 tỉ đồng nhưng tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm gần 9.500 tỉ đồng (tương đương 18%). Kết quả, tổng lượng tiền gửi của ngân hàng trong quí I giảm hơn 1% xuống còn 433.740 tỉ đồng.

Tương tự, lượng tiền gửi của TPBank và ABBank cũng giảm lần lượt 3% và 4,5% so với cuối năm 2019 xuống còn gần 89.700 tỉ đồng và hơn 66.400 tỉ đồng.  

Không chỉ ngân hàng tư nhân, BIDV - nhà băng có qui mô lớn nhất nhì hệ thống cũng ghi nhận mức sụt giảm tiền gửi khách hàng lên tới 13.870 tỉ đồng trong quí I, tương đương giảm 1,24%. Trong đó, riêng tiền gửi không kì hạn giảm hơn 20.600 tỉ đồng, tương đương giảm 11,6%.

Tiền gửi khách hàng của nhiều ngân hàng lớn sụt giảm - Ảnh 2.

Những ngân hàng sụt giảm tiền gửi khách hàng trong quí I. (Nguồn: QT tổng hợp).

Dịch COVID-19 khiến ngân hàng khó huy động tiền gửi

Theo giới phân tích, sự sụt giảm tiền gửi tại một số ngân hàng là do tâm lí trú ẩn rủi ro trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo đó, các doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng cường nắm giữ tiền mặt để phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu đột biến và tích trữ trong giai đoạn khủng hoảng.

Số liệu thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong hai tháng đầu năm 2020, các tổ chức kinh tế đã rút ròng tới hơn 191.000 tỉ đồng khỏi hệ thống ngân hàng, gấp đôi mức rút ròng cùng kì năm ngoái.

Thực tế, xu hướng rút tiền gửi được thể hiện rất rõ báo cáo tài chính quí I của các doanh nghiệp.

Ba tháng đầu năm, tiền gửi ngân hàng của Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm gần 900 tỉ đồng, tương đương 12%. Trong khi, tiền gửi của CTCP VinHomes cũng giảm 1.794 tỉ đồng xuống còn 992 tỉ đồng, tương đương giảm 64%.

Tương tự, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu như Vinamilk và Masan cũng giảm mạnh. Trong đó, tiền gửi ngân hàng của Vinamilk giảm hơn một nửa xuống 1.026 tỉ đồng; tiền gửi ngân hàng của Tập đoàn Masan cũng giảm từ 1.780 tỉ đồng xuống còn 1.028 tỉ đồng vào cuối quí I.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng tiền gửi tại các ngân hàng sụt giảm trong quí I là do thu nhập của cả người dân và doanh nghiệp bị giảm sút trước tác động của dịch bệnh, khiến các đối tượng này hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí rút ra để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Theo ông Hiển, sự sụt giảm của tiền gửi khách hàng đi cùng với xu hướng rút tiền của Kho Bạc Nhà nước trong những tháng đầu năm sẽ tạo ra áp lực nguồn vốn cho một số ngân hàng và đây cũng là lí do khiến nhiều nhà băng vẫn duy trì mức lãi suất huy động trên dưới 8%/năm đối với các kì hạn từ 12 tháng trở lên.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: