Đối với các dự án nhà ở và thương mại, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch”, nhưng những dự án này rất hiếm bởi thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn non trẻ.
FDI đổ vào BĐS cũng như hoạt động M&A BĐS dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới trong năm 2017. (Ảnh minh họa: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
FDI đổ vào BĐS dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới trong năm 2017
Theo báo cáo mới nhất của Stephen Wyatt, Giám đốc khu vực, Công ty Jones Lang Lasalle (JLL), nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định, lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang không ngừng tăng trong những năm qua. Nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 19,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. FDI trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) dự kiến sẽ đạt được mức kỷ lục mới trong năm 2017.
Ngành sản xuất chế biến, chế tạo chiếm phần lớn trong tổng vốn FDI, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam thay thế cho Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh BĐS đứng ở vị trí thứ 5, thu hút khoảng 0,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó có 39 dự án với 0,5 tỷ USD đăng ký cấp mới.
Dù dòng vốn FDI đổ vào BĐS không ngừng tăng thì những nhà đầu tư trong nước vẫn thống trị trên thị trường nhờ vào sự am hiểu thị trường nội địa và khả năng thực hiện các giao dịch nhanh chóng.
Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Hiện có hàng trăm triệu USD đang chờ để đổ vào thị trường trong nước, các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và cả Trung Quốc…
Báo cáo liệt kê, vào tháng 9 năm ngoái, Kajima - một trong bốn tập đoàn nhà thầu lớn nhất Nhật Bản đã hợp tác liên doanh với Indochina Capital với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, ban đầu sẽ tập trung chính vào các dự án nhà ở và nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang không ngừng tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam.
Trong tháng 3, công ty Keppel Land (Singapore) đã nắm 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam (Sowatco) trong dự án Saigon Centre thông qua công ty thành viên Krystal Investment Pte., Ltd. Hongkong Land sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu Tự Hạ Tầng Kỹ Thuật TP HCM (CII) để phát triển nhà ở tại khu độ thị mới Thủ Thiêm.
Vào tháng 5, Quốc Cường Gia Lai đã bán dự án của công ty tại quận Nhà Bè, TP HCM cho Sunny Island Investment (không được tiết lộ giá trị giao dịch). Gần đây, Công ty cổ phần BĐS Phát Đạt tuyên bố đã chuyển nhượng một phần của dự án Everrich 3 tại TP HCM. Công ty BĐS Hưng Thịnh có chiến lược thâu tóm 20 dự án đã bị trì hoãn lâu dài, trong đó 10 dự án đã được tiến hành xây dựng và bắt đầu tung ra thị trường.
Ngoài ra, quỹ đầu tư VinaCapital cho biết đã bán 70% cổ phần của mình trong dự án khu đô thị 198,5 hecta Đại Phước Lotus ở tỉnh Đồng Nai cho China Fortune Land Development (CFLD). CFLD đã ký biên bản ghi nhớ với công ty Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC) tại Khu công nghiệp Ông Kèo, dựa trên kế hoạch xây dựng hàng chục khu công nghiệp ở Đông Nam Á...
Ông Stephen Wyatt đánh giá, thông thường phân khúc nhà ở vẫn là thị trường hấp dẫn nhất, bên cạnh đó các nhà đầu tư cũng đang có xu hướng chuyển sang thị trường BĐS thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7 – 8%). Mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.
Thị trường BĐS Việt Nam còn non trẻ nên hiếm dự án có quỹ đất “sạch”
Giám đốc khu vực của JLL cho rằng, đối với các dự án nhà ở và thương mại, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch” (ví dụ: hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt). Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm, bởi lẽ thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn non trẻ.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ, các dự án có tiềm năng phát triển tốt khá khan hiếm, khả năng tiếp cận đến các dự án tốt tương đối hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.
Nói về triển vọng thị trường, Giám đốc Stephen Wyatt nhận định, nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu ái đến các dự án tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên các dự án này vẫn còn hạn chế trên thị trường. Các phân khúc BĐS vẫn đang trên đà phát triển như mong đợi. Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam. JLL dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Số lượng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập và thành lập văn phòng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Thay vì phải di chuyển liên tục, các nhà đầu tư hiện nay đã phát triển đội ngũ nhân viên ngay tại Việt Nam với sự kết hợp giữa các chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước cho từng dự án...
Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz