Sự kiện hot
4 năm trước

Masan: Kế hoạch kinh doanh năm 2020 khởi sắc

Ban lãnh đạo Masan kì vọng doanh thu thuần hợp nhất của Masan năm 2020 tăng trưởng ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan – Mã: MSN) công bố, HĐQT Masan sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu thuần từ 75.000-85.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1.000-3.000 tỉ đồng.

Ban lãnh đạo Masan kì vọng doanh thu thuần hợp nhất của Masan năm 2020 tăng trưởng ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

Năm nay, MCH sẽ tập trung gia tăng sự đóng góp từ các thương hiệu cao cấp, tung ra các sản phẩm và thương hiệu mới trong ngành nước tăng lực và phát triển danh mục sản phẩm vượt trội.

Bên cạnh đó, MCH cũng sẽ chú trọng vào việc cộng hưởng với nền tảng ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình của Công ty Cổ phần Bột giặt NET vừa mới mua lại bằng việc tập trung vào hoạt động nghiên cứu và tận dụng mạng lưới phân phối toàn quốc của MCH.

Đối với ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife (MML), HĐQT đặt mục tiêu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất. Sở dĩ ban lãnh đạo kì vọng mức đóng góp này từ MML là do những kết quả tích cực của MEATDeli trong thời gian qua.

Doanh số của MEATDeli trong tháng 12/2019 tăng gấp đôi so với tháng 6/2019 với mức doanh thu đạt 102 tỉ đồng. Việc mở rộng mạng lưới phân phối của MEATDeli đã thực hiện trong năm 2019 cùng với cộng hưởng tiềm năng của hơn 3.000 điểm bán lẻ hiện đại của VinCommerce, ban lãnh đạo nhận định, MML dự kiến sẽ trở thành công ty kinh doanh thịt dẫn đầu trong tương lai gần.

Riêng đối lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và hàng tiêu dùng, HĐQT đặt mục tiêu biên EBITDA năm 2020 của Vincommerce (VCM) sẽ từ -3% đến 0%, đạt điểm hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020. 

Tính đến ngày 31/12/2019, VCM hiện đang vận hành 132 siêu thị VinMart, xấp xỉ 2.900 cửa hàng VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi.

Trong năm 2020, trọng tâm của VCM là vạch ra lộ trình cụ thể để đạt lợi nhuận và bắt đầu xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng. Chuỗi bán lẻ này cũng sẽ tiếp tục củng cố vị thế tại Hà Nội, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh ngoại thành, phát triển mô hình tại TP. Hồ Chí Minh và các đô thị loại hai.

Trước đó, ngày 12/6/2020, Masan đã thành lập công ty hợp nhất là Công ty Cổ phần The CrownX để vận hành và sẽ sở hữu lợi ích kinh tế của MSN trong VCM và MCH.

Về mảng khai khoáng, trong năm 2020, Masan Resources (MSR) sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp HCS để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá vonfram theo chu kì hàng hóa.

Năm ngoái, hoạt động kinh doanh của MSR bị ảnh hưởng do giá cả hàng hóa giảm và hoãn bán đồng tồn kho, kết quả, MSR đạt doanh thu thuần 4.706 tỉ đồng năm 2019, giảm 31,4% so với kết quả thực hiện năm 2018.

Năm 2019 doanh thu thuần của công ty đạt 37.354 tỉ đồng, giảm 2,2% so với kết quả thực hiện năm 2018, tuy vậy, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông tăng trưởng 12,4%, đạt 3.907 tỉ đồng.

Với mức lợi nhuận này, HĐQT Masan dự kiến trình cổ đông chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10% (tương ứng 1.000 đồng/1 cổ phần).

Bên cạnh đó, Masan cũng dự kiến phát hành khoảng 5,8 triệu cổ phiếu (tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành) với mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp. Thời điểm phát hạnh dự kiến trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021.

Trong 5 năm tới đây, tầm nhìn của MSR là tăng trưởng và tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kì thị trường nhờ sở hữu chuỗi giá trị tích hợp trong thị trường vật liệu công nghiệp công nghệ cao

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: