Ở các vùng giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia hay xảy ra hiện tượng chờm sóng nước láng giềng nên nếu thuê bao không để ý sẽ phát sinh cước quốc tế cho dù thuê bao đó vẫn đang ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Ở các vùng giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia hay xảy ra hiện tượng chờm sóng nước láng giềng nên nếu thuê bao không để ý sẽ phát sinh cước quốc tế cho dù thuê bao đó vẫn đang ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều khách du lịch và người lao động Việt Nam vẫn có thể sử dụng được sóng di động của VinaPhone, MobiFone, Viettel tại thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc.
Một số khách hàng của MobiFone phản ánh rằng khi họ đang đứng trên lãnh thổ Việt Nam, ngay sát vùng biên giới Việt Trung thì vẫn nhận được sóng của nhà mạng Trung Quốc. MobiFone cho biết, nguyên nhân của việc chờm sóng này là do các mạng phải phát sóng đủ mạnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Việc sóng di động của mạng Trung Quốc chờm vào lãnh thổ của Việt Nam cũng tương tự như sóng di động của MobiFone phát chờm sang lãnh thổ của Trung Quốc nên khi thuê bao MobiFone giao thương tại Trung Quốc gần khu vực biên giới Việt - Trung vẫn có thể sử dụng dịch vụ trên mạng MobiFone mà không phải dùng mạng Trung Quốc và bị tính cước chuyển vùng quốc tế.
MobiFone cho biết, theo quy định của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), khi khách hàng chuyển vùng vào mạng khách quốc tế khác với mạng chủ, mạng chủ phải gửi tin nhắn (welcome SMS) thông báo nhập mạng nước ngoài thành công.
Trường hợp thuê bao ở vùng biên giới, mặc dù đứng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do thiết bị của thuê bao nhập vào mạng Trung Quốc nên hệ thống hiểu là khách hàng đang ở Trung Quốc và gửi tin nhắn thông báo nhập mạng Trung Quốc cho khách hàng. Nội dung tin nhắn thông báo là thống nhất khi khách hàng nhập vào tất cả các mạng nước ngoài, bao gồm cả các nước có chung biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Vì vậy, các nhà mạng luôn luôn khuyến cáo khách hàng lưu ý khi sử dụng dịch vụ tại các vùng biên giới, có giao thoa sóng giữa các mạng di động quốc tế. Trong trường hợp này khách hàng chỉ cần chuyển máy điện thoại sang chế độ chọn mạng thủ công sẽ tránh được trường hợp phát sinh cước quốc tế ngoài ý muốn dù đang trên lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế, việc phủ sóng chờm qua lãnh thổ nước bạn là khá phổ biến. Các thuê bao di động của Việt Nam vẫn có thể sử dụng dịch vụ của chính nhà mạng của Việt Nam khi vào sâu trong lãnh thổ nước bạn từ 10 -15 km. Thậm chí, với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì vùng phủ sóng có thể xa tới 80 km ở những điều kiện ít bị che chắn như ngoài biển.
Nhiều khách du lịch Việt Nam cho biết, tại thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc (giáp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai) có rất nhiều cửa hàng bày bán SIM thẻ của các mạng di động của Việt Nam như Viettel, VinaPhone, MobiFone. Vì vậy, khách du lịch có thể mua SIM thẻ ở đây và sử dụng bình thường như đang trên lãnh thổ Việt Nam mà không bị phát sinh cước quốc tế.
Trước đó, một số khách du lịch cũng phản ánh với ICTnews khi họ leo lên đỉnh Phan Xi Păng cũng nhận được tin nhắn thông báo kết nối mạng của China Unicom.
NT
theo ICT News