Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Trải qua gần 60 năm được trồng đại trà và phát triển với quy mô lớn, cây chè đã góp phần quan trọng trong đời sống của người dân ở đây.
Các sản phẩm từ cây chè mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc đang từng bước khẳng định vị trí trong nước và quốc tế. Nhờ có cây chè, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở đây ngày càng ổn định, khấm khá hơn.
Nhân dịp Hội trà cao nguyên Mộc Châu lần thứ III - 2018 và Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nông trường Quốc doanh Mộc Châu (8/4/1958 - 8/4/2018), phóng viên có cuộc trao đổi xung quanh chủ đề này với ông Phạm Đức Chính - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu.
PV: Thưa ông Phạm Đức Chính, xin ông có thể cho biết một số những nét khái quát về tiềm năng vùng chè Mộc Châu hiện nay?
Ông Phạm Đức Chính: Hiện nay, vùng cao nguyên Mộc Châu có hơn 2.000 ha chè với hơn 14 công ty, doanh nghiệp, HTX làm chè, tiêu biểu là Vinatea Mộc Châu, công ty chè Cờ Đỏ, Chiềng Ve… Sản phẩm chè Mộc Châu có điểm khác biệt so với các vùng chè khác là được trồng ở độ cao 1.050m, ở nơi có băng tuyết và hương liệu khác biệt.
Ý thức được việc phát huy tiềm năng thế mạnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè trên cao nguyên Mộc Châu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng đến chăm sóc chế biến theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ đó, đã đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu chè Mộc Châu ngày càng có uy tín. Sản phẩm chè đa dạng về các mẫu mã chủng loại, chất lượng từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Sản lượng chè mỗi năm đạt hơn 30.000 tấn, với thị trường chủ yếu là xuất khẩu sang Đài Loan, các nước Trung Đông và một phần tiêu thụ tại các thị trường trong nước.
PV: Như ông vừa nói, lượng chè Mộc Châu hiện nay chủ yếu là xuất khẩu. Vậy, địa phương đã có những chính sách gì nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường ngoài nước?
Ông Phạm Đức Chính: Phát triển cây chè theo hướng xuất khẩu cũng chính là hướng đi được huyện Mộc Châu chú trọng để phát triển bền vững cây chè trong những năm tiếp theo. Huyện đã thường xuyên giới thiệu các doanh nghiệp trên địa bàn quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công thương, UBND tỉnh tổ chức. Nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu sản phẩm tại Pháp, Anh, Qatar, Pakistan, Afghanistan và 1 số nước Trung Đông, được các thị trường đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã tích cực xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Mộc Châu, xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết & và chè Oolong nhằm giới thiệu đến thị trường trong nước quốc tế các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý & thương hiệu. Năm 2010, Chè Shan tuyết Mộc Châu đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Sau 8 năm sản xuất và nâng cao chất lượng, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã có mặt tại thị trường nước ngoài và là 1 trong 2 đối tượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào vùng đăng ký chỉ dẫn địa lý tại thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, việc tổ chức Hội trà cao nguyên Mộc Châu hằng năm tại chính mảnh đất cao nguyên này cũng là kênh thông tin cụ thể nhất nhằm giới thiệu sản phầm chè đến khách hàng trong nước và quốc tế, tôn vinh những người làm chè trên cao nguyên Mộc Châu.
Vừa qua, trong Hội trà cao nguyên Mộc Châu lần thứ III - 2018, chúng ta được vinh dự công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với Chè Shan tuyết Mộc Châu tại Thái Lan. Đây sẽ là cơ hội để thương hiệu chè Mộc Châu bứt phá, vươn xa hơn nữa.
PV: Xin ông cho biết tiềm năng phát triển và điểm nhấn của du lịch Mộc Châu?
Ông Phạm Đức Chính: Là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, cao nguyên Mộc Châu có địa hình đa dạng, khí hậu ôn đới trong lành, cảnh quan đẹp, là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách. Mộc Châu đã được xác định là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia nằm trong chiến lược phát triển du lịch vùng Tây Bắc.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sơn La khơi dậy, phát huy thế mạnh về du lịch, xúc tiến mời gọi đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu phát triển khu DLQG Mộc Châu trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc. Đến với Mộc Châu, hướng đến chủ yếu là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, cân bằng lợi ích giữa cảnh quan, thiên nhiên, nông nghiệp gắn liền với du lịch bền vững.
PV: Với tiềm năng phát triển như vậy, trong thời gian tới, chính quyền huyện Mộc Châu có những giải pháp, kế hoạch gì nhằm phát triển du lịch để xứng đáng với tiềm năng hiện nay?
Ông Phạm Đức Chính: Hiện nay, quy hoạch chung Khu du lịch (KDL) Quốc gia Mộc Châu do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư đang được hoàn thành. Sau khi hoàn thành quy hoạch chung, các đơn vị sẽ tiến hành các công việc cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, với mục đích làm sao giữ được bảo tồn thiên nhiên và không phá vỡ cảnh quan.
Chúng tôi sẽ xây dựng Mộc Châu thành một mắt xích quan trọng trong hành lang các khu du lịch phía Tây Bắc, cụ thể là Hà Nội - KDL Hồ Hòa Bình - KDL Mộc Châu - Điện Biên Phủ, mở rộng kết nối tới tỉnh Hủa Phăn (Lào) tới khách du lịch trong nước quốc tế.
Không những vậy, với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, cây chè đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở cao nguyên Mộc Châu. Khi KDL Quốc gia Mộc Châu đang dần được hoàn thiện, thì những đồi chè trải dài ở đây sẽ trở thành dấu ấn đặc biệt với du khách gần xa khi đến vùng đất này. Vừa qua, huyện đã xây dựng quy hoạch để bảo tồn các khu đồng cỏ, đồi chè để phục vụ du lịch và xác định sẽ tạo mọi điều kiện cho người nông dân Mộc Châu tham gia làm du lịch. Trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu mỗi người dân Mộc Châu sẽ là một đại sứ du lịch để giới thiệu với bạn bè và du khách về cảnh đẹp, sản phẩm của Mộc Châu. Đặc biệt, với tiềm năng, lợi thế sẵn có cây chè sẽ là loại cây đa mục tiêu, mang lại nguồn thu cho người dân địa phương và là sản phẩm hấp dẫn của khách du lịch.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, và xin chúc Mộc Châu sẽ sớm trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với bạn bè gần xa.
Tương Mai
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng