Dantin - Trao đổi với PV Đời sống & Tiêu dùng, trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6-phòng CS Môi trường (PC49) Công an Hà Nội cho biết: Hiện có khoảng 10 chủ đầu nậu buôn lậu cá, ếch Trung Quốc tại Hà Nội.
Dantin - Trao đổi với PV Đời sống & Tiêu dùng, trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6-phòng CS Môi trường (PC49) Công an Hà Nội cho biết: Hiện có khoảng 10 chủ đầu nậu buôn lậu cá, ếch Trung Quốc tại Hà Nội.
Trung bình 3 ngày, mỗi đầu nậu chở một chuyến và mỗi tháng tổng cộng có 100 chuyến chở cá, ếch nhập lậu từ biên giới về Hà Nội với tổng khối lượng khoảng 200-300 tấn/tháng.
Liên tục bắt và xử lý
Theo ông Sơn, từ ngày 25/4 đến 5/5/2013, Đội 6 phối hợp với Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra, bắt giữ 7 xe ô tô nhập lậu loại thực phẩm trên, tịch thu tiêu huỷ 1.860 kg cá tầm, 824 kg cá quả, 288 kg ếch, 9.360 con cá trê lai Trung Quốc và xử phạt hành chính với mỗi lái xe là 2,5 triệu đồng.
Thủ đoạn hoạt động của các đầu nậu tinh vi, trải rộng ở các địa bàn khác nhau. Thông thường, tại khu vực biên giới như thành phố Móng Cái, chủ đầu nậu sang Trung Quốc mua hàng, rồi thuê lái đò là người Việt Nam hoặc Trung Quốc vận chuyển qua sông Ka Long để tập trung tại các điểm trong thành phố và cho xe chuyển về. Một thủ đoạn khác là các đối tượng buôn lậu gặp trực tiếp các đầu nậu người Trung Quốc mua hàng ngay tại đường biên để vận chuyển về Hà Nội.
Các đối tượng này thường hoạt động vào ban đêm, khi về đến Hà Nội là 1-3 giờ sáng. Mới đây các đầu nậu thay đổi quy luật hoạt động sớm hơn là khoảng 21 giờ. Trên đường đi, các lái xe thay đổi biển kiểm soát và có đối tượng dẫn đường, thám thính trước các hoạt động của công an. Nếu phát hiện có công an, quản lý thị trường kiểm soát thì họ sẽ báo cho lái xe quay đầu về biên giới để trốn tránh.
Sau các vụ bắt giữ gần đây, các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động. Các xe cá vận chuyển về các tỉnh tiếp giáp Hà Nội thì các đối tượng chia lẻ hàng ra để tránh bị bắt giữ với số lượng lớn. Điều này gây khó khăn cho công tác bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng.
Mờ mắt vì lợi nhuận
Một nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu này diễn biến phức tạp là do lợi nhuận lớn. Theo tính toán của PC49, mỗi xe cá có lợi nhuận từ 30-80 triệu đồng/xe nên mức xử phạt 2,5 triệu đồng/xe và tịch thu hàng hoá chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho rằng, do thu được lợi nhuận cao, các đối tượng không từ thủ đoạn để thẩm lậu vào Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ khiến các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở, nhập lậu vào thị trường trong nước. Bởi vậy, quá trình bắt nhập lâu cần có sự phối hợp chặt chẽ của cảnh sát biển, hải quan, quản lý thi trường phối hợp với công an, thanh tra chuyên ngành
Để xử lý tội phạm này, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội đã có văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các sở, ban, ngành làm tốt công tác phối hợp xử lý các đối tượng buôn lậu này, đặc biệt là xử lý ngay tại khu vực biên giới, không để xảy ra tình trạng nhập lậu.
Theo trung tá Phạm Giang Sơn, hiện có khoảng 10 đường dây buôn lậu cá từ Trung Quốc về Hà Nội đã “lọt tầm ngắm” của cơ quan chức năng, vẫn được theo dõi chặt và sẽ bắt giữ trong những ngày tới. Ông cũng cho biết thêm: Cá nhân có hành vi vận chuyển lậu sẽ bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng kèm tịch thu, tiêu hủy lô hàng. Mức phạt trên quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe vì mức lãi lớn hơn số tiền phạt rất nhiều.
Trung tá Phạm Giang Sơn cũng kiến nghị các cơ quan hữu trách cần nghiên cứu tăng mức phạt vi phạm và tăng thời gian tạm giữ phương tiện lên 30 ngày để tăng tính răn đe đối với đối tượng vận chuyển.
Được biết hiện các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiến hành xét nghiệm các mặt hàng cá, ếch nhập lậu từ Trung Quốc để xác định chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề an toàn thực phẩm.
Hùng Anh