Sự kiện hot
12 năm trước

Một lít xăng đi hàng trăm cây số

Khi giá xăng ngày một tăng, chuyện sinh viên các trường đại học VN chế tạo những chiếc xe từ động cơ xe máy có thể đi được hàng trăm cây số chỉ với một lít xăng khiến rất nhiều người kỳ vọng vào khả năng ứng dụng thực tiễn.

Khi giá xăng ngày một tăng, chuyện sinh viên các trường đại học VN chế tạo những chiếc xe từ động cơ xe máy có thể đi được hàng trăm cây số chỉ với một lít xăng khiến rất nhiều người kỳ vọng vào khả năng ứng dụng thực tiễn.

Chiếc xe của đội sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM chạy được 177km/lít xăng tại
cuộc thi Shell Eco-marathon Asia - Ảnh: Đức Thiện

Tại cuộc thi đua xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á Shell Eco-marathon Asia diễn ra hồi đầu tháng 7-2012, những chiếc xe của các đội sinh viên từ các trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Công nghiệp TP.HCM đã chạy được khoảng cách đến 177km chỉ với một lít xăng. So với khoảng cách trung bình 40-60km/lít xăng của xe máy tại VN, có thể thấy con số trên là quá tuyệt vời.

Theo chân các bạn sinh viên, chúng tôi được biết những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hầu hết đều được cải tiến từ động cơ xe máy, chủ yếu là động cơ xe Honda. Ngoài việc cải tiến động cơ, các bạn sinh viên còn phải thiết kế và tự gia công kiểu dáng xe, bộ truyền động, vỏ xe... Hình dạng xe thường nhỏ gọn trông giống như giọt nước, người lái xe phải nằm điều khiển. Trọng lượng xe và cả người lái xe phải càng nhẹ càng tốt, nhằm làm giảm ma sát với mặt đường và sức cản không khí...

Vũ Thị Lan Hương, sinh viên năm cuối khoa công nghệ kỹ thuật ôtô Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết việc quan trọng nhất để chế tạo một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu gồm cải tiến động cơ và hình dáng thiết kế phải giảm thiểu sức cản của gió. Cụ thể hơn, giảng viên Phạm Quang Khải, khoa công nghệ động lực Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, giải thích: những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu thường sử dụng vật liệu nhẹ như hợp kim nhôm, composite sợi cacbon để làm giảm tối đa trọng lượng khung xe nhưng vẫn đảm bảo độ bền vững của khung. Kiểu dáng thiết kế phải giảm tối đa chiều cao của xe nhằm làm giảm tối đa lực cản gió. Đặc biệt "chúng tôi phải cải tiến hệ thống phân phối khí nhằm giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu. Sử dụng hệ thống phun nhiên liệu điều khiển bằng điện tử có khả năng thay đổi tức thời lưu lượng và thời điểm phun nhiên liệu phù hợp với các chế độ làm việc của động cơ" - thầy Khải cho biết.

Ngoài ra theo thầy Khải, trong các cuộc thi đua xe, những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu phải sử dụng loại lốp xe không gai để làm giảm tối đa ma sát với mặt đường, làm giảm sức cản của mặt đường để giảm tiêu hao nhiên liệu. Đặc biệt, bí quyết quan trọng nhất giúp những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu có thể đi xa đến hàng trăm cây số là "không để động cơ làm việc suốt quãng đường chạy". Cụ thể, người điều khiển phải biết tận dụng tối đa khả năng chạy trớn của xe. Chẳng hạn sau khi khởi động động cơ, người điều khiển sẽ cho tăng tốc đột ngột để xe có tốc độ trên 40km/giờ trong thời gian vài giây rồi tắt máy để xe chạy trớn bằng quán tính. Khi gần hết quán tính lại tiếp tục khởi động động cơ và tăng tốc trong vài giây... Chính điều này đã giúp những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu có thể đi được khoảng cách hàng trăm cây số chỉ với một lít xăng.

Không thể áp dụng thực tiễn

Ở các nước trong khu vực, sinh viên đã có thể chế tạo những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu đi được khoảng cách hơn 1.000km. Chẳng hạn đội sinh viên Thái Lan vừa đoạt giải nhất tại cuộc thi đua xe tiết kiệm nhiên liệu Shell Eco-marathon Asia 2012 với khoảng cách 1.120km/lít xăng - gấp khoảng 20 lần so với khả năng trung bình của xe máy hiện nay. Tuy nhiên, theo kỹ sư Hoài Phương - cán bộ phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, những cải tiến trên gần như không thể áp dụng vào xe máy thông thường ngoài đời dù xe tiết kiệm nhiên liệu cùng sử dụng chung động cơ. Kỹ sư Phương phân tích: "Thứ nhất, hình dáng xe máy đẹp hay xấu ngoài đời rất quan trọng, không thể cải tiến theo hướng bắt người lái xe phải nằm điều khiển nhằm làm giảm sức cản của gió. Thứ hai, kiểu dáng chung của xe máy hiện nay là càng nặng, càng to thì càng đẹp, trong khi nguyên tắc tiết kiệm nhiên liệu là xe càng giảm thiểu khối lượng càng tốt. Đó là chưa tính đến trọng lượng người lái xe...".

TS Nguyễn Hữu Hường, trưởng khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng áp dụng những cải tiến từ xe mô hình tiết kiệm nhiên liệu sang xe máy ngoài đời là điều không thể. TS Hường cho biết: môi trường giao thông VN còn rất phức tạp, đèn xanh đèn đỏ khắp nơi, không thể bắt người điều khiển xe tăng tốc rồi tắt máy chạy trớn như các xe mô hình. Đó là chưa kể những chiếc xe mô hình chỉ chạy trên các đoạn đường bằng phẳng lý tưởng, trong khi đường sá ngoài đời hoàn toàn khắc hẳn.

Theo Tuoitre

Từ khóa: