Theo thông tư quản lý thuê bao di động trả trước vừa được Cục Viễn thông xây dựng, mỗi khách hàng sẽ đăng ký tối đa 3 sim với một nhà mạng, tức 18 sim với 6 hãng viễn thông. Riêng doanh nghiệp, con số này không quá 100.
Theo thông tư quản lý thuê bao di động trả trước vừa được Cục Viễn thông xây dựng, mỗi khách hàng sẽ đăng ký tối đa 3 sim với một nhà mạng, tức 18 sim với 6 hãng viễn thông. Riêng doanh nghiệp, con số này không quá 100.
Mới đây, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng xong Thông tư quản lý thuê bao di động trả trước. Theo đó, người tiêu dùng chỉ được đăng ký tối đa 3 sim với mỗi nhà mạng. Nếu có nhu cầu sử dụng nhiều hơn, thuê bao buộc phải chuyển sang các hãng di động khác nhau.
Như vậy, với 6 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông hiện như Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnammobile, Beeline và EVN Telecom - mới sáp nhập với Viettel, mỗi thuê bao sẽ được đăng ký tối đa 18 sim di động.
Mỗi khách hàng chỉ được đăng ký tối đa 3 sim với một nhà mạng. Ảnh: Hoàng Hà
Trước đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp viễn thông cho rằng cần nới lỏng quy định hạn chế 3 sim với mỗi nhà mạng. Bởi nhu cầu sử dụng của một cá nhân về các loại sim di động rất lớn như điện thoại, định vị ô tô, USB 3G, máy tính bảng,... Tuy nhiên, đề án lần này của Cục Viễn thông vẫn "y án" 3 sim nhằm quản lý chặt thuê bao và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông.
Riêng với các tổ chức, doanh nghiệp, Cục Viễn thông đề xuất quy định, chỉ được đăng ký tối đa 100 sim. "Lâu này, một số đại lý 'lách luật', đứng tên doanh nghiệp để sở hữu hàng nghìn sim rồi bán ra thị trường hưởng giá chênh lệch, thậm chí bắt chẹt người tiêu dùng. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng công ty ảo lập ra để gom sim từ nhà mạng", nguồn tin từ Cục Viễn thông cho hay.
Ngoài ra, thông tư này còn yêu cầu điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước phải có những phương tiện lưu trữ thông tin cá nhân như máy scan, photocopy, máy tính để lưu chứng minh và hộ chiếu của khách hàng. Doanh nghiệp viễn thông bắt buộc phải giữ thông tin cá nhân của khách hàng gồm chứng minh thư, hộ chiếu bằng giấy photo trong vòng một năm và bản mềm trong 5 năm.
Sim đã kích hoạt hay những thiết bị kích hoạt sim trả trước cũng bị nghiêm cấm lưu thông trên thị trường. Khi thay đổi chủ sở hữu, thuê bao bắt buộc phải đến các điểm giao dịch để đăng ký lại thông tin cá nhân. Tất cả những trường hợp khách hàng vi phạm về số lượng thuê bao di động, thông tin cá nhân... khi phát hiện đều bị xử lý, ngừng cung cấp dịch vụ. Còn các mạng di động, chủ điểm giao dịch nếu vi phạm quy định của thông tư sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi số, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông tư quản lý thuê bao di động trả trước đang được Cục Viễn thông trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, ký duyệt và ban hành trong thời gian tới đây.
Xuân Ngọc
Theo VnExpress