Sự kiện hot
13 năm trước

Mỹ phẩm giả tràn lan, khó kiểm soát

Son môi nhiễm chì của nhiều hãng mỹ phẩm tên tuổi vừa bị Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phát hiện chỉ là bề nổi. Ít ai quan tâm son môi “xách tay”, hàng nhái, giả xuất xứ Trung Quốc bán tràn lan cũng gây nguy hại cho người dùng.

Son môi nhiễm chì của nhiều hãng mỹ phẩm tên tuổi vừa bị Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phát hiện chỉ là bề nổi. Ít ai quan tâm son môi “xách tay”, hàng nhái, giả xuất xứ Trung Quốc bán tràn lan cũng gây nguy hại cho người dùng.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Nam Vinh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vianstas).

Một chiếu mỹ phẩm ở KCX Tân Thuận

Ông Vinh khẳng định, hàng mỹ phẩm trong đó có son môi của các hãng sản xuất, kinh doanh chính thức luôn được các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về thủ tục, quy trình sản xuất, nhập khẩu. Thế nhưng, đối với sản phẩm của các cơ sở nhỏ, hàng giả, nhái nhập lậu từ nước ngoài lại được tự do mua bán ít kiểm soát.

Điển hình là ở hầu hết các chợ từ chợ chính thống đến chợ tự phát, các sạp, chiếu (bày bán ở vỉa hè, chợ tạm) mỹ phẩm loại này mua bán rất thoải mái, gần như không bị kiểm tra, kiểm định.

Khó kiểm soát hàng mỹ phẩm

Những sản phẩm mỹ phẩm giá rẻ này tuy không được giới “quý tộc” quan tâm, nhưng lại là hàng thông dụng của người thu nhập trung bình, người lao động nhất là công nhân. Mà giới tiêu dùng này chiếm đại đa số trong cả nước từ thành thị đến nông thôn.

Khảo sát nhận định của ông Vinh, PV Infonet tìm đến các chợ như: chợ Kim Biên, quận 5, chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, chợ Tân Quy và một số chợ chiều quanh Khu Chế xuất Tân Thuận (KCX), quận 7 nhận thấy các nơi bán mỹ phẩm hàng chợ vẫn mua bán tập nập.

Son môi "hàng chợ" hầu như không được kiểm định chất lượng

Trao đổi với chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, 24 tuổi, quê Bạc Liêu, công nhân may Công ty Đức Bổn trong KCX đang mua cây son môi ghi nhãn hiệu Maybelline Color Sensational in Mauve Me, tại một chiếu mỹ phẩm giá chỉ có 56.000 đồng, chị cho biết, mua son để trang điểm đi dự tiệc cưới của người bạn và không hề biết thông tin son môi nhiễn chì.

Theo Th.s BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chì từ son môi, thực phẩm hoặc từ tay qua đường miệng vào dạ dày rồi hấp thụ vào máu. Lượng chì vào máu ít hay nhiều phụ thuộc vào lượng chì có trong đồ dùng bị nhiễm. Chì theo máu không được đào thải mà tiếp tục được vận chuyển và tích tụ tại các mô, cơ quan rồi gây bệnh cho cơ thể.

Tùy theo mức độ nhiễm độc chì mà triệu chứng có thể rất mơ hồ như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sụt cân… Nặng hơn có thể dẫn tới yếu cơ, thiếu máu, tăng huyết áp, giảm trí nhớ. Nam giới giảm lượng tinh trùng, phụ nữ mang thai nhiễm độc chì sẽ tổn hại cho thai nhi, dễ bị sảy thai, sinh non…

Ngộ độc chì lâu ngày sẽ dẫn tới các bệnh trở thành mãn tính như: bệnh về thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, tổn thương não bộ… và có thể dẫn tới tử vong nếu nhiễm nặng.

Hiện nhiều nước châu Âu đã cấm sử dụng các sản phẩm có chì trong đời sống.

Trần Nhã
Theo Infonet

Từ khóa: