Xuất khẩu phân bón năm 2022 có thể vượt mốc 1 tỷ USD nhờ việc doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, giải cơn khát phân bón trên toàn cầu.
Theo đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10 xuất khẩu phân bón đạt 160 nghìn tấn, tương đương 87 triệu USD, không biến động về lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với tháng 9.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,5 triệu tấn với kim ngạch gần 973 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy sau 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 73% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.
Trong tháng 10 giá xuất khẩu phân bón đã giảm 37 USD/tấn so với tháng 9 và giảm hơn 28% so với mức đỉnh tháng 1, xuống còn 547 USD/tấn. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp, giá phân bón xuất khẩu đi xuống. Tuy nhiên, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, giá phân bón có thể tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Nhìn chung, thị trường thế giới có chuyển biến tích cực, mức giá đang rất tốt, nên không ít doanh nghiệp cho rằng năm nay xuất khẩu phân bón tăng trưởng mạnh.
FAV cho rằng dư địa xuất khẩu phân bón của các doanh nghiệp vẫn còn khi công suất thiết kế của các nhà máy phân bón tại Việt Nam theo giấy phép sản xuất phân bón của Bộ NNPTNT lên tới 29 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn.
Tuy nhiên, hiện phân bón Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Á như Campuchia, Malaysia, Lào, Philippines, Thái Lan… Các thị trường chưa mặn mà với thị trường châu Âu, Trung Đông, Biển Đen vì chưa có thương hiệu và chi phí vận chuyển lớn.
Tiến Hoàng/KTDU