Số tiền thu được trong hoạt động phát hành trái phiếu lần này sẽ được Nam Long sử dụng toàn bộ để thực hiện thanh toán cho việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai từ đối tác.
Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về phương án phát hành hai đợt trái phiếu riêng lẻ với giá trị lần lượt 500 tỷ và 450 tỷ đồng.
Số tiền thu được trong hoạt động phát hành trái phiếu lần này sẽ được Nam Long sử dụng toàn bộ để thực hiện thanh toán cho việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai từ đối tác. Hoạt động chính của Công ty Thành phố Waterfront Đồng Nai là phát triển khu đô thị Waterfront City trên quy mô diện tích 170 ha tại xã Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Cả hai lô trái phiếu đều có kỳ hạn tối đa 36 tháng. Trái phiếu phát hành là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đối với tổ chức phát hành.
Kỳ tính lãi kéo dài 3 tháng với lãi suất dự kiến cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên tối đa là 9,5%/năm. Các kỳ còn lại bằng tổng của tối đa 3,28%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III.
Hoạt động chính của Công ty Thành phố Waterfront Đồng Nai là phát triển khu đô thị Waterfront City trên quy mô diện tích 170 ha tại xã Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Vào cuối năm ngoái, Nam Long đã mua 30% phần vốn góp của Keppel Land để nâng sở hữu tại Công ty Thành phố Waterfront Đồng Nai lên 65,1% vốn, còn đối tác chiến lược Hankyu Hanshin Properties Corp nắm 34,9% vốn.
Vừa qua, Nam Long và tập đoàn Nhật Bản này đã ký hợp tác chiến lược, cùng nhau phát triển khu đô thị tích hợp Izumi City. Vốn đầu tư dự án khoảng 18.600 tỷ đồng, đảm bảo sự phát triển dài hạn trong 5 - 10 năm tới. Hankyu Hanshin đã cùng Nam Long triển khai 5 dự án trong 5 năm qua và Izumi City là dự án thứ 6.
Ngoài huy động vốn từ kênh trái phiếu, Nam Long dự kiến phát hành 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá 33.500 đồng/cp, tương đương số tiền huy động đạt 2.010 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu phát hành đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Cổ phiếu NLG đang giao dịch quanh vùng 43.350 đồng/cp, cao hơn 30% giá phát hành riêng lẻ.
Sau khi phát hành, vốn điều lệ Nam Long dự kiến tăng lên 3.452,7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tổng tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng cho việc mở rộng quỹ đất và đầu tư vào dự án Akari. Cụ thể, dự kiến 200 tỷ đồng được góp vốn vào Công ty con để Công ty con nhận chuyển nhượng dự án PG Hải Phòng và 1.800 tỷ đồng sẽ dùng để tài trợ một phần vốn đầu tư dự án Akari – Lô F.
Hàng tồn kho chiếm 70% tổng tài sản
Theo báo cáo tài chính quý 2/2021 được Tập đoàn Nam Long công bố ghi nhận doanh thu gần 401 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán tăng mạnh 174% lên mức hơn 284 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp Công ty giảm từ 138 tỷ xuống còn 116 tỷ đồng, tương đương giảm 16%.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 80%, từ 46 tỷ đồng còn 9 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng mạnh 239% lên 21 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 231% lên 20 tỷ đồng. Do các khoản chi phí tăng gấp số lần và hoạt động tài chính giảm, dù Nam Long có ghi nhận khoản lãi đột biến từ công ty liên doanh cũng không thấm thoát gì. Kết quả, lợi nhuận sau thuế tại Nam Long trong quý 2/2021 giảm mạnh 30%, xuống còn 48 tỷ đồng.
Tại bảng cân đối kế toán, tính đến thời điểm ngày 30/6, NLG ghi nhận tổng tài sản đạt 20.123 tỷ đồng tăng 47% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền đạt hơn 1.221 tỷ đồng, tăng 14% ; đầu từ tài chính ngắn hạn tăng 75% ghi nhận hơn 62 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng vọt 14.000 tỷ đồng gấp đôi so với đầu kỳ và chiêm 70% tài sản.
Hàng tồn kho tập trung chủ yếu ở Khu đô thị Waterfront City (Izumi) chiếm gần 7.200 tỷ đồng. Một số dự án tồn kho lớn trên 1.000 tỷ đồng còn có Akari (2.775 tỷ), Paragon Đại Phước (1.709 tỷ), Waterpoint (1.174 tỷ),…
Hàng tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bao gồm tồn kho của sản phẩm đã hoàn thành và tồn kho của sản phẩm đang xây dựng dở dang. Trong đó, tồn kho sản phẩm đã hoàn thành là những bất động sản đã xây dựng hoàn thiện như căn hộ, nhà ở đưa ra thị trường nhưng không bán được, không được giao dịch trên thị trường. Tồn kho sản phẩm đang xây dựng dở dang là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng.
Theo các chuyên gia bất động sản, hàng tồn kho theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Nhưng hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, chưa tiêu thụ được sẽ làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành gánh nặng của doanh nghiệp là rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn ảnh hưởng đến tính thanh khoản, không chỉ là gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn là gánh nặng của nền kinh tế, thậm chí làm phá sản doanh nghiệp nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền và giảm nợ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay và áp lực của doanh nghiệp ngày càng lớn…
Lượng hàng tồn kho lớn không bán được, không thể chuyển thành tiền cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi một lượng vốn lớn đang “nằm chết” tại những dự án này.
Tại thời điểm cuối kỳ, nợ phải trả của Nam Long cũng tăng mạnh lên 51% và chiếm 52% tổng tài sản tương ứng với 10.460 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn tăng 64% lên mức 7.291 tỷ đồng; nợ dài hạn phải trả cũng tăng 28% lên 3.169 tỷ đồng.
Hà My
Theo KTDU