Để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật nhằm giúp rau hoa quả Việt Nam chắc chân hơn nữa tại những thị trường lớn trong năm 2013 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho rằng,
Để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật nhằm giúp rau hoa quả Việt Nam chắc chân hơn nữa tại những thị trường lớn trong năm 2013 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho rằng, đừng nên đưa nhau đi tham quan mô hình này nọ mà hãy tổ chức nghiên cứu đánh giá thị trường, nắm vững quy định của các nước rồi về làm cho chuẩn.
Hơn 1/4 giá trị rau quả đang XK phập phù
Theo đánh giá chung, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện có nhiều loại rau hoa quả có lợi thế cạnh tranh như: Thanh long, vú sữa, dưa hấu, vải thiều, nhãn, rau xanh các loại… nhưng lại vướng rất nhiều rào cản trong các bước tiến hành xuất khẩu (XK).
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều có chuyên gia "nằm vùng" tại Việt Nam để giám sát chất lượng và quyết định việc nhập khẩu trái cây của Việt Nam sang. Đồng thời, họ kiểm soát rất chặt về chất lượng từ trồng, thu hái đến bảo quản sản phẩm, đặc biệt là thị trường EU liên tục gửi cảnh báo về một số lô hàng chưa qua kiểm dịch, có dị vật lạ, dư lượng thuốc BVTV cao.
Trong khi đó, hạn chế lớn nhất của rau quả Việt Nam là việc tháo gỡ rào cản trong XK. “Từ trước tới nay, doanh nghiệp vẫn tự mày mò, sau đó thấy vướng mới đề xuất. Cục mới chỉ dựa vào các đề xuất đó để xem xét vấn đề chứ không có định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp theo một chương trình nào cụ thể”, đại diện Cục BVTV nói.
|
Kim ngạch XK rau quả Việt Nam đạt 630 triệu USD vào năm 2011; năm 2012 đạt xấp xỉ 829 triệu USD (tăng 33,4% so với năm 2011). |
|
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nắm giữ không ít tiềm năng về rau quả XK. Thế nhưng, trong số gần 830 triệu USD XK thì chỉ có khoảng 600 triệu USD là XK bền vững, còn lại có tới hơn 1/4 là XK phập phù ăn may theo đường tiểu ngạch.
Thúc đẩy XK trên 2 "mặt trận"
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, doanh nghiệp không nên đưa nhau đi tham quan mô hình này nọ mà hãy tổ chức nghiên cứu đánh giá thị trường, nắm vững quy định của các nước rồi về làm cho chuẩn. Đừng để họ cấm nhập rồi mới về nghĩ xem giải quyết thế nào. Đồng thời, tham gia XK rau hoa quả Việt Nam cần phải nắm rõ những gì nhà nhập khẩu đưa ra để biết là đang bán cái gì cho thị trường và đấu tranh cái gì ở thị trường đó để định hướng kịp thời sản xuất trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiến phải thúc đẩy XK rau quả trên cả hai “mặt trận”. Thứ nhất, trong nước phải thực hành sản xuất tốt (GAP) và phải có những giải pháp chủ động để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Thứ hai, cùng với việc có biện pháp bảo vệ thị trường trong nước, Việt Nam phải tích cực tháo gỡ những hàng rào mà nước nhập khẩu đưa ra dựa trên thông lệ quốc tế.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ giao Vụ Hợp tác Quốc tế làm báo cáo về tình hinh sản xuất rau, quả gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính... để các bên liên quan nắm rõ những vướng mắc cụ thể. Qua đó, các đơn vị có căn cứ chủ động đàm phán với nước họ để rau hoa quả Việt Nam không gặp phải những rào cản kỹ thuật vô lý. Về lâu dài, việc nâng cao chất lượng là bắt buộc, bởi càng làm nhiều với thị trường khó tính, chất lượng sản phẩm và tính chuyên nghiệp của các nhà sản xuất và XK rau hoa quả Việt Nam càng được nâng cao.
Bà Phạm Thị Anh, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết: "Chúng tôi có các cơ quan đại diện nằm ở hơn 100 nước trên thế giới, là đơn vị, cơ quan sẵn sàng giúp tất cả các cục, doanh nghiệp... tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan sở tại, để hỗ trợ việc đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật cho XK trái cây và các mặt hàng khác".
|
T.Văn - T.An
theo Thanh tra